Số trẻ mắc Covid-19 gia tăng nhanh từng ngày

GD&TĐ - Tuy phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, hồi phục trong 1-2 tuần nhưng có 4% trẻ có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, cùng với số ca mắc Covid-19 trên cả nước gia tăng mạnh, số trẻ em mắc Covid-19 cũng tăng lên hằng ngày, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 12 tuổi.

Nếu như trước ngày 1/2/2022 con số này là 14,1%, thì sau ngày 1/2/2022 đã tăng lên 24,3%.

Tuy phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần) nhưng theo các chuyên gia y tế, có 4% trẻ có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8.

Lứa tuổi này có thể có biến chứng hậu Covid-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "Covid-19 kéo dài" ở trẻ em.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nền có nguy cơ diễn tiến nặng cao gồm: trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch.

Khi số lượng ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, số trẻ em diễn biến nặng cũng sẽ tăng lên

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, những ngày gần đây, số lượng trẻ mắc Covid-19 nhập viện tăng đột biến.

Nếu như trước đây chỉ lẻ tẻ vài ca là trẻ em phải nhập viện, thì đợt này, số lượng bệnh nhi tăng nhanh từng ngày; có những ngày cao điểm có tới hơn 20 bệnh nhi được chuyển vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.

Các bệnh nhi đến đây hầu như thuộc phân tầng 2, đã cần sự can thiệp của y tế. Đa phần trẻ mắc Covid-19 phải nhập viện có triệu chứng như: Sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp…

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, tỷ lệ diễn biến nặng ở trẻ mắc Covid-19 thấp hơn so với người lớn. Tuy nhiên, khi số lượng ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, số trẻ em diễn biến nặng cũng sẽ tăng lên.

BS. Nguyễn Thành Lê khuyến cáo, đa số các trường hợp trẻ mắc Covid-19 trong những ngày đầu thường có biểu hiện sốt; cha mẹ cần bình tĩnh theo dõi, không nhất thiết phải đưa con đến cơ sở y tế ngay mà cần làm theo các cách hướng dẫn của Bộ Y tế.

Khi trẻ sốt thì cho uống hạ sốt, nếu ho thì dùng các chế phẩm điều trị ho thông thường và tích cực chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt, cha mẹ không nên mua bất cứ các sản phẩm nào khác mà không theo hướng dẫn của bác sĩ, không được Bộ Y tế cấp phép để tránh tiền mất tật mang. Vì hiện nay, trẻ mắc Covid-19 thường diễn biến khá nhẹ và không dùng bất kỳ loại thuốc kháng virus nào.

Về cách theo dõi trẻ tại nhà, cha mẹ không cần thiết phải sử dụng kẹp đo SpO2 vì thiết bị sử dụng tại nhà này đôi khi sẽ không cho kết quả chính xác nếu không biết cách đo. Tốt nhất, cha mẹ nên theo dõi nhịp thở của trẻ theo hướng dẫn, theo dõi xem trẻ có bị thở rút lõm ngực hay không để sớm phát hiện các dấu hiệu về đường hô hấp.

Về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, trẻ mắc Covid-19 khi sốt sẽ bị mất nước nên cha mẹ cần phải bù nước đủ cho trẻ. Cha mẹ cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng cho con như bình thường. Nếu trẻ không ăn uống được thì có thể chia nhỏ các bữa hoặc ăn các chế phẩm dễ tiêu như cháo, sữa, cố gắng đảm bảo chế độ như trước khi trẻ mắc bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.