Số sinh viên EU du học tại Anh giảm sau Brexit

GD&TĐ - Bất chấp danh tiếng của Trường Đại học Oxford, Cambridge và những trường hàng đầu khác, sinh viên EU nhận định Anh là lựa chọn học tập kém hấp dẫn sau Brexit.

Trường Cao đẳng Trinity thuộc ĐH Cambridge.
Trường Cao đẳng Trinity thuộc ĐH Cambridge.

Việc học phí tăng cao, nhiều vấn đề pháp lý chưa được giải quyết đang cản trở sinh viên EU theo học tại quốc gia này.

Theo Tổ chức Tuyển sinh đại học và cao đẳng Anh (UCAS), số lượng sinh viên EU nộp đơn đăng ký học tại Anh đã giảm từ 6.480 vào năm 2019 xuống 5.220 trong năm 2020.

Là đại sứ cho Hội đồng Sinh viên quốc tế Vương quốc Anh, Daniel Haid, 27 tuổi đã khảo sát các sinh viên EU có muốn đăng ký vào các trường đại học tại Anh hay không. Câu trả lời nhận được hầu hết là không. Haid nhận xét, Brexit đã khiến việc du học Anh trở thành lựa chọn không cạnh tranh trong khi sinh viên EU có nhiều lựa chọn học tập phù hợp hơn tại các quốc gia trong khối.

Đồng ý với quan điểm của Haid, Laura Langone, 31 tuổi, học Tiến sĩ ngành Triết học tại ĐH Cambridge cho biết: “Chắc chắn sẽ có ít sinh viên châu Âu đăng ký học tại Anh hơn trước kia. Nhiều sinh viên lấy bằng tốt nghiệp vào tháng 9/2021 nhưng quyết định không học cao học tại Anh”.

Dominik Frej, 22 tuổi, là sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không vũ trụ tại ĐH Queen Mary, London, đồng thời là người đứng đầu Hội Sinh viên Ba Lan tại Anh. Frej ước tính số lượng sinh viên Ba Lan đăng ký học tại Anh sẽ giảm 75%.

Đối với sinh viên EU, rào cản lớn nhất hiện nay khi du học Anh là tiền bạc. Trước đây, khi Anh nằm trong EU, sinh viên EU được phép đóng học phí tương tự mức đóng của sinh viên bản địa, rẻ hơn mức đóng của sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, sau Brexit, mức ưu đãi này không còn.

Lấy ví dụ, học phí dành cho sinh viên quốc tế tại các ngành Y khoa vượt quá 40.000 bảng Anh (khoảng 1,2 tỷ đồng). Lệ phí làm thị thực sinh viên là 350 bảng Anh (khoảng 10 triệu đồng), gói Dịch vụ Y tế quốc gia có giá 500 bảng Anh (khoảng 15 triệu đồng).

Chi phí khổng lồ này sẽ trở thành gánh nặng đối với sinh viên các nước nghèo trong EU. Điều này đối lập với việc nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu không thu học phí đại học hoặc có mức học phí ưu đãi dành cho công dân EU.

“Từ bây giờ, tiềm năng và trình độ học tập không quyết định một sinh viên EU có thể theo học tại Anh hay không. Thay vào đó là nền tảng tài chính của họ”, Frej cho biết.

Ngay cả những sinh viên giành được học bổng tại Anh cũng không chắc chắn về tương lai của mình. Langone, sinh viên người Italy, đã giành được học bổng giúp trang trải chi phí cao học tại Cambridge. Sau Brexit, cô lo lắng không thể tiếp tục nhận khoản hỗ trợ này.

Brexit cũng ảnh hưởng đến kế hoạch tự do di chuyển vì mục đích học tập. Sinh viên tại Anh và EU thường đăng ký trao đổi học tập ở 27 quốc gia khác theo chương trình Erasmus, Erasmus+ nhưng hiện chưa rõ Anh có tiếp tục tham gia chương trình này hay không.

Trả lời AFP, đại diện tổ chức Các trường đại học Anh cho rằng, Chính phủ Anh nên tiếp tục tham gia chương trình học bổng Erasmus. Nếu không, chính phủ phải cam kết tài trợ giải pháp thay thế trong nước.

Ngoài ra, theo Luật Định cư cho công dân EU sau Brexit, công dân EU phải đăng ký thủ tục cho đến hạn chót là ngày 31/12/2020 và phải ở Anh ít nhất một ngày trước khi đăng ký. Quy chế định cư này có thể hỗ trợ sinh viên EU các chi phí khi học tập tại Anh. Nhưng điều này sẽ gây bất lợi với học sinh năm cuối trung học tại EU vì các em sẽ nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 9/2021, không thể sang Anh do Covid-19.

Vì vậy, nếu muốn du học Anh trong năm tới, các em phải đăng ký theo chính sách của sinh viên quốc tế, bỏ số tiền không mong muốn cho việc xin thị thực, đóng lệ phí và phí sử dụng Dịch vụ Y tế quốc gia. Điều này có thể khiến Anh mất đi lượng lớn sinh viên năm nhất nhập học năm 2021.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.