Kiếm của tướng Nhật, Tomoyuki Yamashita
Tomoyuki Yamashita là một võ tướng Nhật Bản từ thời đại chiến thế giới thứ hai (ĐCTGII). Trong tham vọng xâm lược Mã Lai và Singapore, Yamashita đã đại thắng khi chinh phục 2 xứ này chỉ trong vòng 70 ngày.
Sau khi kết thúc ĐCTGII, tướng Yamashita bị chỉ đích danh là tội phạm chiến tranh vì có liên quan đến sự kiện Thảm sát Manila và nhiều hành động tàn bạo khác ở Philippines và Singapore. Vụ này khiến cho Mỹ phải thay đổi luật liên quan đến trách nhiệm của các tội phạm chiến tranh, họ tạo ra cái gọi là “Tiêu chuẩn Yamashita”.
Thanh kiếm của tướng Nhật - Tomoyuki Yamashita |
Sinh thời, cuộc đời binh nghiệp của viên tướng Yamashita còn gắn liền với một thanh kiếm. Theo đó, Tomoyuki Yamashita là một kiếm thủ lừng danh, ông sở hữu cây kiếm được rèn bởi bậc thầy chế tác kiếm tài ba Fujiwara Kanenaga trong khoảng thời gian 1640 và 1680.
Khi Yamashita bị buộc tội ác chiến tranh và bị xử tử, Tướng Mỹ - Douglas MacArthur đã lấy kiếm của Yamashita và mang nó về cho Bảo tàng quân sự West Point (New York), nằm an vị tại đó cho tới tận ngày nay.
Kiếm cong của tướng Argentina, San Martin
Vị tướng tài danh người Argentine, Jose de San Martin, là nhà lãnh đạo tối cao của cuộc chiến giành độc lập của Nam Mỹ từ tay thực dân Tây Ban Nha. Ông đã sống ở Malaga (Tây Ban Nha) ngay từ buổi đầu đời.
Khoảng năm 1808, sau khi gia nhập vào cuộc chiến Bán đảo chống lại thực dân Pháp, tướng San Martin đã kết nối với những người ủng hộ nền độc lập người Nam Mỹ ở Tây Ban Nha. Năm 1812, San Martin đến thủ đô Buenos Aires và làm việc tại vùng Rio de la Plata.
Dưới tài lãnh đạo của Martin, Peru giành được độc lập vào ngày 28 tháng 7 năm 1821, San Martin trở thành “người bảo trợ đầu tiên của Peru”. Tại Argentina, Huân chương giải phóng Tướng San Martin là danh hiệu cao quý nhất được trao cho San Martin.
Thanh kiếm của tướng Argentine - Jose de San Martin |
Cuộc đời binh nghiệp của tướng San Martin tưởng không thể không nhắc đến cây kiếm cong của ông. Vũ khí này được Martin mua lại trong thời gian ông ở London chỉ một thời gian ngắn trước khi ông rời Tây Ban Nha và hoạt động cách mạng ở Nam Mỹ.
Sau đó, San Martin trang bị cho đội lính kỵ binh của ông những thanh kiếm tương tự. Thanh kiếm cong đã ở bên mình San Martin đến ngày ông qua đời, và nó được giao cho Tướng Cộng hòa Argentina, Don Juan Manuel de Rosas.
Trước khi De Rosas qua đời, ông đã truyền lại thanh kiếm cho người bạn Juan Nepomuceno Terrero. Sau khi Terero tạ thế, thanh kiếm này lại được giao cho các con trai và con gái của ông.
Đến năm 1896, Adolfo Carranza, giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia Argentina, được gia đình De Rosas trao tặng cây kiếm của San Martin và nó an vị cho đến tận ngày nay. Thanh kiếm San Martin bị ăn trộm 2 lần khỏi viện bảo tàng, khiến cho bảo tàng phải xây dựng rào để bảo vệ bảo vật lịch sử.
Thanh kiếm của lãnh tụ khởi nghĩa Anh, William Wallace
William Wallace đã dẫn đầu lực lượng khởi nghĩa Scotland chống lại Vua Anh, Edward I, khiến cho quân Anh đại bại tại chiến địa lừng tiếng: Cầu Stirling. Từ đầu mùa hè của tháng 9 năm 1297, làm chủ công tại chiến địa Cầu Stirling đã khiến cho tên tuổi của Wallace nổi như cồn, vị tướng này cũng có khả năng ứng xử cực kỳ linh hoạt.
Lúc sinh thời, William Wallace được chỉ định là “Người giám hộ Scotland”. Năm 1305, vua Edward I đã bắt giữ Wallace và hạ lệnh xử tử ông vì tội “phản bội”. Ngày hôm nay, William Wallace được ca ngợi là anh hùng quốc gia và nhà chí sĩ yêu nước Scotland.
Chuyện về Wallace còn phải nhắc đến cây kiếm của ông. Cây kiếm này đang được trưng bày đầy kiêu hãnh tại Bảo tàng quốc gia Wallace ở tu viện Craig, Stirling, Vương quốc Anh.
Đó là một cây kiếm khổng lồ: dài 1,63m và nặng đến 3kg. Phải cầm 2 tay mới sử dụng được kiếm. Tại chiến địa Cầu Stirling vào năm 1297, Wallace đã dùng cây kiếm này để tung hoành, cũng như tại chiến trường Falkirk vào năm 1298.
Có tài liệu nói rằng ngay sau khi William Wallace bị hành quyết vào năm 1305, John de Menteith, thủ lĩnh của lâu đài Dumbarton (Anh) đã nhận thanh kiếm Wallace vào tháng 8 cùng năm.
200 năm sau đó, tức năm 1505, thanh kiếm rơi vào tay của Vua James IV xứ Scotland, nhà vua chi thêm 26 Si-ling để làm bao kiếm và trang trí nọ kia.
Thanh kiếm Tizona của lãnh tụ quân sự Tây Ban Nha, De Vivar
Rodrigo Díaz de Vivar, hay gọi tắt là El Cid, là một quý tộc Castile đồng thời còn là một lãnh tụ quân sự vào thời Trung Cổ ở Tây Ban Nha. Người Moor gọi ông là El Cid, nghĩa là Chiến binh huyền thoại.
Vivar sinh ra ở Vivar, một thành phố nằm gần Burgos. Sau khi qua đời, Vivar trở thành anh hùng dân tộc của Castile và là nhân vật chính được ngợi ca trong sử thi của Tây Ban Nha thời Trung Cổ, El Cantar de Mio id.
Nên biết rằng, lúc sinh thời Vivar là Đại tướng điều binh của quân đội vua Alfonso VI. Vivar cũng đồng thời là một kiếm thủ có hạng, một nhà chiến dịch quân sự tài nghệ.
Cuộc đời võ tướng của ông phải kể đến thanh kiếm bất hủ: kiếm Tizona. Theo sử thi Cantar de Mio Cid, El Cid đoạt được thanh kiếm này từ vua Yucef ở Valencia.
Kiếm Tizona dài 103cm và nặng 1,1kg. Thân kiếm có 2 bản khắc: 1 là đề năm chế tác là 1002, 2 là trích dẫn câu kinh cầu nguyện Đức mẹ Maria. Kiếm Tizona hiện được trưng bày tại Bảo tàng Burgos, Tây Ban Nha.
Thanh kiếm của Hoàng đế Pháp, Napoleon Bonaparte
Bình sinh là một võ tướng, Napoleon Bonaparte đã nhanh chóng trở thành Hoàng đế chí tôn đầu tiên của Pháp quốc. Đội quân dưới sự điều binh của Napoleon đã chinh phục khắp thế giới, mở rộng lãnh thổ Pháp.
Thanh kiếm của hoàng đế Pháp - Napoleon Bonaparte |
Tài năng quân sự kỳ lạ của Napoleon đã biến ông thành một nhà độc tài quân sự. Quyết định xâm lược Nga đã đánh dấu thất bại của Napoleon. Năm 1814, Liên minh thứ 6 đã xâm lược Pháp, bắt giữ Napoleon và đày vị hoàng đế này đến đảo Elba. Nhà vua lập mưu đào tẩu, nhưng cuối cùng qua đời đột ngột trong lúc bị quản thúc trên đảo Saint Helena.
Giới sử gia nhận định rằng Napoleon là một thiên tài quân sự, người đàn ông với những cống hiến cho nghệ thuật hành binh chiến trường. Nói về Napoleon, phải nên biết tới cây kiếm của ông.
Trên chiến trường, Napoleon lúc nào cũng dắt 1 khẩu súng lục và kiếm. Đầu thập niên 1800, Napoleon trao thanh kiếm này cho người em trai làm món quà cưới. Thanh kiếm cũng truyền cho các thế hệ trong họ Bonaparte, chưa từng truyền cho người ngoài. Năm 1978, nó được tuyên bố là “Báu kiếm quốc gia Pháp”.
Mùa hè năm 2007, một thanh kiếm nạm vàng của Napoleon đã được đem ra bán đấu giá ở Pháp với mức giá hơn 6,4 triệu USD, người thắng trong cuộc đấu giá thì không công bố danh tính.