Minh Vương là cầu thủ nội ghi bàn nhiều nhất V-League mùa giải vừa qua nhưng vẫn không được HLV Park Hang Seo ngó ngàng. Văn Toàn, Công Phượng, Xuân Trường giờ đây chỉ là những nhân tố thứ yếu ở đội tuyển, còn Tuấn Anh chấn thương liên miên. Chưa bao giờ, vị thế cũng như vai trò của các “con cưng” của bầu Đức ở đội tuyển giảm sút như ở thời điểm này. Nguyên nhân vì đâu?
Số phận những người tiên phong
Không thể phủ nhận, những người tạo nên nền móng, đưa những người hâm mộ Việt Nam quay trở lại sân vận động, chính là những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của Arsenal. Những người hâm mộ tới sân vì mê từng bước chạy của Công Phượng, đắm chìm trong những pha xử lý điệu nghệ của Tuấn Anh, Xuân Trường.
Có lẽ, họ đã mất quá nhiều năm rồi để tìm được tình yêu bóng đá thuần khiết như vậy. Một thứ bóng đá tưởng chừng bị lãng quên trong “đêm trường” của bóng đá Việt Nam. Nhưng rồi, nó đã bắt đầu sống lại trên đôi chân của những cầu thủ U19 Việt Nam (với nòng cốt là các cầu thủ trẻ của HA Gia Lai).
Thế hệ U19 HAGL cả Công Phượng từng kéo khán giả đến sân |
Người viết từng có mặt trên khán đài Mỹ Đình trong buổi lạnh lẽo, với chừng 1.000 khán giả trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Iraq ở vòng loại World Cup 2014 (tháng 10/2015) và chỉ chừng 1 năm sau, người viết đã đứng trong dòng người đông tới nghẹt thở chen nhau vào sân Mỹ Đình trong trận giao hữu giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản.
Trong lòng bất cứ ai cũng đã bắt đầu nghĩ về chương mới tươi sáng hơn cho bóng đá Việt Nam kể từ thời điểm ấy. Sự hồi sinh của nền bóng đá bắt đầu từ sự hồi sinh từ trên những khán đài, khi mà ở nơi ấy những “hạt giống niềm tin” bắt đầu hé nở.
Không ai có thể phủ nhận thực tế rằng bầu Đức chính là người tiên phong góp phần tạo nên sự hồi sinh ấy. Ông đã xây dựng học viện bóng đá “chuyên nghiệp” và đã bơm không ít tiền để duy trì và phát triển bóng đá - nơi mà ông kỳ vọng sẽ tạo ra những “Messi, Ronaldo” cho bóng đá Việt Nam.
Thế hệ của Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh chính là những học viên ưu tú của thế hệ ấy. Họ là những người đầu tiên được sang Arsenal tập luyện và cọ sát. Họ cũng là những người đầu tiên của thế hệ vàng hiện tại xuất ngoại (sang Nhật, Hàn thi đấu).
Có thể nói, bầu Đức đã có chiến lược phát triển của các “con cưng”. Bởi lẽ, chỉ có ra thi đấu ở nước ngoài, chỉ có “hít thở bầu không khí chuyên nghiệp hơn”, những “mầm non” của lò HA Gia Lai mới có thể phát triển vững chắc.
Nhưng bất kỳ chiến lược nào cũng có sự rủi ro nhất định và không phải môi trường nào cũng thích hợp cho các “hạt mầm”…
“Dành cả tuổi thanh xuân để trụ hạng”
Sau khi CLB HA Gia Lai xuất sắc trụ hạng thành công, tiền vệ Minh Vương đã phải thốt lên: “Dành cả tuổi thanh xuân để trụ hạng”. Dẫu biết rằng đó chỉ là lời “nói cho vui”, giống như những gì mà người ta nói về HA Gia Lai “Đá cho vui”, nhưng nó cũng phần nào toát lên được sự xót xa trong ấy.
"Dành cả tuổi thanh xuân để trụ hạng" |
Thực tế chỉ ra rằng, trong 5 mùa giải gần nhất, HA Gia Lai là CLB duy nhất (trong số các CLB V-League thời điểm này) chưa một lần nằm trong top 5 V-League. Nói một cách cay đắng hơn, trong cả 5 mùa giải ấy, đội bóng phố Núi đều phải chiến đấu trụ hạng.
Mùa gần nhất, HA Gia Lai còn leo cao ở V-League (xếp thứ 3 chung cuộc) lại là khi họ sở hữu dàn ngoại binh khủng với Oseni, Bassey Akpan, Evaldo, Marcelo hay Sakda Joemdee. Còn kể từ khi giới thiệu dàn ngôi sao trẻ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… CLB phố Núi lại chưa bao giờ được hưởng đỉnh cao ấy.
Nhiều quan điểm cho rằng bầu Đức như kẻ mộng mơ. Ông đã tin tưởng dàn cầu thủ trẻ của mình có thể khuynh đảo V-League, với thứ bóng đá đẹp. Nhưng có vẻ như giấc mơ của bầu Đức chỉ dừng lại ở cấp độ U19. Hiện tượng V-League quá khốc liệt, và đương nhiên, các cầu thủ HA Gia Lai không đủ sức để “đập đá vá trời”. Trong khi đó, các bản hợp đồng ngoại hiếm hoi của HA Gia Lai đều thất bại thảm hại (do không hợp lối chơi của CLB?).
Thứ bóng đá đẹp đã không tới kết quả đẹp như kỳ vọng, thay vào đó, nó trở nên mong manh chẳng khác gì Arsenal (HA Gia Lai đào tạo theo giá trình Arsenal). Và nó khiến cho những giấc mơ thống trị V-League của bầu Đức trở thành thứ viển vông.
Thậm chí, một nhà tài trợ từng đặt ra mục tiêu HA Gia Lai cần phải lọt vào top 5 V-League nếu muốn nhận được được sự tài trợ lâu dài.
Các cầu thủ HAGL không còn giữ được vị trí ở đội tuyển quốc gia |
Không hợp với lối chơi của HLV Park Hang Seo?
Dư luận từng đặt ra câu hỏi: “Tại sao Minh Vương không được triệu tập dù là chân sút nội tốt nhất V-League?”. Nhưng rõ ràng, HLV Park Hang Seo có cái lý của mình khi loại Minh Vương.
Hệ thống hiện tại của HLV người Hàn Quốc được xây dựng xuyên suốt 2 năm qua. Và không phải ai cũng có thể thích ứng với hệ thống ấy. Minh Vương từng được triệu tập dự ASIAD 2018, Asian Cup 2019, King’s Cup… nhưng cầu thủ này đều không chứng tỏ được khả năng của mình. Thậm chí, Minh Vương còn bị lạc lõng trong hệ thống của HLV Park Hang Seo. Trường hợp này khá giống với Văn Quyết, người thăng hoa ở CLB nhưng không được triệu tập.
Trước nay, danh sách tập trung của đội tuyển Việt Nam gồm nòng cốt là các cầu thủ của HA Gia Lai và CLB Hà Nội. Nhưng giờ đây, quân số cũng như vai trò của cầu thủ 2 đội đã chênh lệnh rất nhiều.
Trong bản danh sách mới công bố, HA Gia Lai chỉ có 4 cầu thủ là Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Phong Hồng Duy. Nếu tính thêm cả Công Phượng (đang cho mượn ở Sint Truidense) thì con số ấy là 5 người.
Để ý thấy, hầu hết những gương mặt này chỉ là gương mặt dự bị. Văn Thanh gần như không thể tranh chấp vị trí với Trọng Hoàng bên cánh phải. Tương tự là Hồng Duy bên cánh trái. Trong khi đó, Văn Toàn hay Công Phượng chỉ nằm trong kế hoạch xoay vòng của HLV Park Hang Seo. Chỉ có Tuấn Anh có thể được đặt niềm tin nhưng vấn đề, cầu thủ này liên tục dính chấn thương tới tàn lụi sự nghiệp.
Vẫn biết, bầu Đức là người có công đưa HLV Park Hang Seo về với Việt Nam và cũng là người trả tiền lương cho thầy Park. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng các cầu thủ HA Gia Lai được ưu ái hơn những người khác ở đội tuyển quốc gia. HLV Park Hang Seo là người làm việc vô cùng phân minh. Các vị trí đều được sắp xếp theo ý đồ chiến thuật theo từng trận đấu, theo từng nhiệm vụ của từng người.
Vĩ thanh
Vị thế suy giảm của các cầu thủ HA Gia Lai ở đội tuyển quốc gia cũng phản ánh vị thế ngày càng đi xuống của CLB phố Núi trong làng bóng đá Việt Nam. Họ từng là những người tiên phong, kéo khán giả xuống sân nhưng giờ đây lại mang bi kịch của sự tụt hậu.
Mới đây, bầu Đức từng tuyên bố: “Không đầu tư vào CLB HA Gia Lai để đua vô địch” (vì không muốn vào tình trạng 1 đánh 5). Nó đi ngược lại hoàn toàn so với mong muốn của của ông ở thời điểm bắt đầu phát triển lò đào tạo HA Gia Lai năm xưa.
“Có xuống hạng cũng phải đá đẹp” - đó là tuyên ngôn của bầu Đức cách đây vài năm. Nhưng giờ đây, cái đẹp mà HA Gia Lai tạo ra chỉ như vẻ đẹp mong manh và nó có thể “phản bội” niềm tin của người hâm mộ bất cứ lúc nào.