Số người nhập viện vì cúm mùa tăng 150%

GD&TĐ - Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hằng năm ở Việt Nam, trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng cúm mùa là tiêm vắc-xin. Ảnh minh họa
Biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng cúm mùa là tiêm vắc-xin. Ảnh minh họa

Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, nội tiết), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương thông tin, từ sau Tết đến nay, do thời tiết thay đổi liên tục, nóng lạnh thất thường, số lượng người bệnh nhập viện tăng khoảng 150% so với trước đó. Theo TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết thay đổi là điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ.

Người cao tuổi với chức năng đề kháng bị suy giảm. Do đó, trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay sẽ dễ mắc nhiễm trùng, đặc biệt là cúm mùa và các loại vi khuẩn đường hô hấp như phế cầu.

Các tác nhân này gây bệnh sẽ làm phức tạp những bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính… Điều đó khiến các bệnh lý này dễ gây ra biến chứng nguy hiểm, cũng như đe dọa đến tính mạng người cao tuổi.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho hơn 10 ca mắc bệnh cúm A trong tình trạng nặng. Đáng lo ngại là có 2 trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực là người cao tuổi.

Ở hầu hết trường hợp, cúm mùa thường có biểu hiện nhẹ và tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, bệnh nặng hơn thường gặp ở người cao tuổi và những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.

PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền, Tổng Thư ký Hội Lão khoa Việt Nam, Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ, cúm mùa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người cao tuổi như: Tăng gấp 8 lần nguy cơ đột quỵ; tăng gấp 10 lần nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim; tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi; tăng 74% nguy cơ biến cố bất thường liên quan đến bệnh đái tháo đường. Đối với người trên 60 tuổi, mắc bệnh lý nền như bệnh tim mạch, đái tháo đường… thì nguy cơ tử vong do cúm cũng cao hơn.

Biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng cúm mùa là tiêm vắc-xin. Vắc-xin giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus cúm, ngăn ngừa nhiễm bệnh. Mọi người nên tiêm vắc-xin cúm để kịp thời bảo vệ cơ thể. Nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin gồm trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính như tim phổi, thận, tiểu đường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ