Hai đơn vị bàn bạc tiến tới thống nhất 10 nội dung hợp tác bao gồm, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của Sở GD&ĐT TPHCM. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy các môn Tin học và Công nghệ, Lịch sử và Địa lí, Khoa học Tự nhiên cho cán bộ quản lý và giáo viên của TPHCM theo Quyết định số 1064/QĐ-UBND ngày 26/3/2020 của UBND TPHCM.
Bên cạnh đó hai đơn vị phối hợp tổ chức bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên theo Thông tư 19/2019 ngày 12/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Phối hợp tổ chức đào tạo theo lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của TPHCM theo Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; Phối hợp tính toán, xác định, tham mưu UBND TPHCM giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên của TPHCM theo từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học hằng năm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ…
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TPHCM và Trường ĐH Sài Gòn cũng phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tài liệu, nội dung, chương trình và phương pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; Phối hợp, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học, Nghiệp vụ Sư phạm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục;
Hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn TPHCM; Phối hợp tổ chức công tác thực tập sư phạm cho sinh viên các ngành đào tạo giáo viên của Trường Đại học Sài Gòn; Phối hợp tổ chức, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động, sự kiện liên quan đến các lĩnh vực giáo dục phổ thông, giáo dục đại học của hai bên.
Tại hội nghị, hai đơn vị cũng trao đổi về phương hướng đào tạo giáo viên dạy mỹ thuật, âm nhạc, tin học, tiếng Anh, dạy liên môn… các bậc học tiểu học, THCS, THPT. Theo ông Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, hiện nay có tình trạng sinh viên sư phạm Anh, sư phạm Tin học, sư phạm Âm nhạc… học xong ra làm bên ngoài mà không tham gia giảng dạy, do đó làm sao có biện pháp chế tài hay linh hoạt như thế nào để hạn chế tình trạng này.
“Sinh viên tốt nghiệp sư phạm Anh, sư phạm tin học, sư phạm nhạc làm bên ngoài thu nhập cao hơn đi dạy nhiều nên phần lớn các em học xong ra đi làm bên ngoài. Trong khi chi phí đào tạo một sinh viên sư phạm âm nhạc thì rất tốn kém, thậm chí nhiều em sẵn sàn hoàn trả chi phí đào tạo 5 năm 100 triệu đồng…”, ông Phạm Hoàng Quân chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho rằng tận dụng lợi thế là địa phương có các cơ sở đào tạo sư phạm lớn đóng trên địa bàn, ngành giáo dục TPHCM đã sớm tiếp cận, đón đầu Chương trình GDPT 2018, đồng thời có sự phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để chủ động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy.
“Chúng ta đặt ra mục tiêu không chỉ giảng dạy đủ chương trình mà từ đó nâng cao chất lượng của giáo dục TP lên một bậc, không phải như yêu cầu tối thiểu. Làm sao trong một khoảng thời gian nhất định TP có đủ lực lượng giáo viên dạy các môn mới như Nghệ thuật (nhạc, họa) ở bậc THPT, giáo viên tin học ở bậc tiểu học… để tiến tới không chỉ dạy những gì chúng ta có mà đáp ứng đầy đủ giáo viên ở các trường phổ thông để học sinh tự chọn theo hướng phát triển được năng khiếu, thẩm mỹ toàn diện của mình…” - ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cũng lưu ý Trường ĐH Sài Gòn trong việc đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực du lịch và trí tuệ nhân tạo, nhân viên ở một số bộ phận tâm lý học đường, nhân viên tin học, nhân viên lo về chuyển đổi số trong nhà trường… Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng bày tỏ mong muốn làm sao ngành giáo dục TPHCM phải là nơi thụ hưởng tốt nhất, sớm nhất các nghiên cứu, thành quả khoa học của các trường ĐH trong đó có SGU.