Sở GD&ĐT TPHCM triển khai Bộ tiêu chí ‘Trường học hạnh phúc’

GD&TĐ - Ngày 20/10, Sở GDĐT TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí và kế hoạch thực hiện ‘Trường học hạnh phúc’.

Cụm trưởng, các cụm chuyên môn khối THPT ký kết giao ước thực hiện xây dựng "Trường học hạnh phúc".
Cụm trưởng, các cụm chuyên môn khối THPT ký kết giao ước thực hiện xây dựng "Trường học hạnh phúc".

Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đại diện Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM); các sở, ban, ngành TPHCM.

Lắng nghe, nắm bắt nhu cầu và phân tích tình hình

Phát biểu tại Hội nghị, bà Cao Thị Thiên Phúc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” triển khai cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, cơ sở giáo dục ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng và trung cấp thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại thành phố.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

“Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đã ký quyết định ban hành với 18 tiêu chí. Trong đó, nhóm tiêu chuẩn về Con người gồm 6 tiêu chí; Nhóm tiêu chuẩn về Dạy học và hoạt động giáo dục gồm 8 tiêu chí và nhóm tiêu chuẩn về Môi trường gồm 4 tiêu chí”, bà Cao Thị Thiên Phúc cho hay.

Bà Cao Thị Thiên Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Bà Cao Thị Thiên Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Sở GD&ĐT TPHCM đã thực hiện quy trình xây dựng Trường học hạnh phúc nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; Tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; Góp phần xây dựng hình ảnh con người TPHCM “Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo”.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” đồng bộ, phù hợp điều kiện thực tế, không hình thức, thành tích. Đặc biệt việc đánh giá Bộ tiêu chí dựa trên khảo sát cảm nhận của người dạy, người học. Mỗi tiêu chí gồm 3 mức độ: cần cải thiện, khá, tốt. Trên cơ sở đó, chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt thì cần duy trì, chưa đạt cao thì cần phải có mục tiêu, phương hướng cải thiện.

Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức 2 hội thảo và 3 lần lấy ý kiến góp ý cho dự thảo bộ tiêu chí và dự thảo kế hoạch thực hiện Trường học hạnh phúc, trước khi triển khai chính thức.

Cơ sở giáo dục xây dựng bảng hướng dẫn cho đội ngũ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện từng nội dung trong bộ tiêu chí theo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, mặt bằng học tập...Đặc biệt, tổ chức đối thoại với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhằm lắng nghe, nắm bắt nhu cầu và phân tích tình hình để cải thiện các tiêu chí chưa đạt.

Không nóng vội, tránh tạo áp lực

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai bài bản về xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Thứ Trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Thứ Trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, nhiều thống kê, nghiên cứu cho thấy không phải giàu có về vật chất là mang lại hạnh phúc. Nhiều năm trở lại đây, khoảng 30% dân số không hạnh phúc, tỷ lệ tự tử ở mức báo động tại một số quốc gia. Từ thực tế đáng lo đó, năm 2012, lần đầu tiên thế giới có báo cáo toàn cầu về vấn đề hạnh phúc.

“Đến nay, hàng năm đều có báo cáo về nội dung này. Đặc biệt từ 2013, Liên hợp quốc chọn 20/3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc. Một số quốc gia cũng sử dụng chỉ số quốc gia về hạnh phúc. Tuy nhiên, các chính sách hướng đến nội dung này còn hạn chế. Ở lĩnh vực GD&ĐT, các tiêu chí đánh giá “Trường học hạnh phúc” bắt đầu được quan tâm từ 2016”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thông tin.

Theo thứ Trưởng Nguyễn Văn Phúc, tại Việt Nam, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Công đoàn giáo dục Việt Nam phát động mô hình “Trường học hạnh phúc.

"Mô hình này không phải là học sinh sẽ học ít đi, mà học với niềm đam mê, được phát huy tối đa năng lực và phẩm chất người học. Việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” cần được thực hiện theo nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục, không thành tích và trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị, việc thực hiện cần trên tinh thần tự nguyện, lợi ích thật sự của đơn vị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở điều kiện thực tế, không nên hành chính hóa, không đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm, không nóng vội, tránh tạo áp lực.

Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ tại hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ tại hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Quá trình xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” được thực hiện từng bước, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị trường học. Tới đây khi triển khai Bộ tiêu chí, các cơ sở giáo dục quan tâm đối tượng cha mẹ học sinh, đưa vào như một trong những chủ thể quan trọng, ảnh hưởng quá trình xây dựng “Trường học hạnh phúc””.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.