Về cơ bản, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đồng ý với 7 nội dung của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Cùng đó, Sở GD&ĐT cũng có những góp ý gửi đến Bộ GD&ĐT, cụ thể:
Về kế hoạch giáo dục, theo dự thảo, trong một năm học, thời gian thực học các môn học của chương trình giáo dục phổ thông tương đương với 37 tuần, gồm: 35 tuần thực học dành cho các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hoá và môn học tự chọn bắt buộc; 2 tuần thực học dành cho các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.
Đề nghị, giảm 2 tuần thực học xuống còn 35 tuần, gồm 33 tuần thực học dành cho các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa và môn học tự chọn bắt buộc; 2 tuần thực học dành cho các môn tự chọn và nội dung giáo dục địa phương.
Giảm số tiết trung bình/tuần đối với lớp 6 và lớp 7 từ 29 xuống 28 tiết; đối với lớp 8, 9 và lớp 10 giảm 30 tiết xuống còn 28 tiết. Số tiết giảm lấy trong thời lượng của môn tự chọn hoặc giáo dục địa phương.
Nguyên nhân là do, cấp THCS và THPT thực hiện chương trình 1 buổi/ngày (tương ứng với 5 buổi/tuần), số tiết trung bình/tuần chưa có 2 tiết sinh hoạt tập thể (sinh hoạt dưới cờ vào thứ 2 và sinh hoạt lớp vào thứ 7 mà số tiết/buổi đối với lớp 6, 7 có 4/5 ngày trong tuần là 5 tiết; các lớp 8, 9, 10 cả 5 buổi là 5 tiết. Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, số tiết giảm lấy trong chương trình tự chọn hoặc chương trình giáo dục địa phương là dễ thực hiện.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, chiếm thời lượng khá lớn trong chương trình. Hầu hết các lớp là 105 tiết/năm, riêng lớp 10 là 70 tiết/năm. Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ hơn về các điều kiện cần thiết để tổ chức hoạt động này về: Giáo viên; cơ sở vật chất, kinh phí cần cho cơ sở giáo dục triển khai thực hiện; hình thức tổ chức triển khai có gì mới so với việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong chương trình hiện hành...
Về các môn học tự chọn bắt buộc (học sinh tự chọn ít nhất 3 môn và 1 Chuyên đề học tập với tổng số tiết tối thiểu là 330 tiết). Đề nghị Bộ GD&ĐT có phương án cụ thể để hướng dẫn triển khai thực hiện, không để xảy ra tình trạng nhiều môn không có học sinh chọn, khó khăn cho việc tổ chức triển khai thực hiện ở các nhà trường, nhất là trường thuộc huyện miền núi. Chương trình giáo dục THPT phân ban trước đây đã từng xảy ra tình trạng nhiều trường, học sinh không đăng kí học các môn khoa học xã hội và nhân văn.
Đối với giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Thanh Hóa có đề xuất về thời lượng dạy học. Cụ thể: Mỗi tiết học cho lớp 1 đến lớp 5 từ 35 phút đến 40 phút (riêng lớp 1 và lớp 2 giữa tiết học có vận động tại chỗ từ 3 - 5 phút); giữa các tiết học có thời gian nghỉ.
Đối với những lớp chưa thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, không bố trí thời gian tự học có hướng dẫn trên lớp nhưng phải bố trí dạy tăng buổi để dạy học nội dung giáo dục của địa phương.
Thời gian học của cấp Tiểu học chỉ nên 35 tuần, không nên kéo dài 37 tuần như cấp THCS và THPT. Hoạt động tự học có hướng dẫn nên xếp vào các môn học Hoạt động giáo dục bắt buộc; cấp THCS cũng nên có nội dung này để định hướng người học có thể tự học tập suốt đời.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát lại Điều lệ nhà trường phổ thông hiện hành, điều chỉnh bổ sung các nội dung không còn phù hợp trong đó có quy định về sĩ số học sinh; cơ sở vật chất phòng học, phòng bộ môn và các trang thiết bị tối thiểu cần thiết để tổ chức triển khai chương trình đạt hiệu quả; mô hình về các loại hình trường lớp: Tiểu học & THCS, THCS & THPT…