Sở GD&ĐT Thanh Hóa chỉ đạo ‘nóng’ về thực hiện Thông tư 29

GD&TĐ - Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm.

Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: Thế Lượng
Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: Thế Lượng

Ngày 17/2, bà Bùi Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa ký văn bản gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các đơn vị trực thuộc Sở về việc triển khai Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm.

Theo đó, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh nội dung Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm; Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm...

Công văn nêu: “Yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch dạy học trong nhà trường; kế hoạch dạy thêm, học thêm; ôn thi học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 THPT đã được xây dựng từ đầu năm học 2024-2025.

Điều chỉnh kế hoạch môn học cuối cấp cần chú trọng hoàn thành sớm nội dung cốt lõi để có thời gian đảm bảo cho học sinh ôn luyện đạt hiệu quả.

Phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí hiện có của nhà trường để xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, đảm bảo khoa học, phù hợp, đúng quy định, nhất là đối tượng học sinh cuối cấp.

Bố trí kinh phí chi cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ nguồn kinh phí đã cấp cho các đơn vị năm 2025; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có quy định mức chi tổ chức dạy thêm, học thêm.

Tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường đảm bảo đúng quy định. Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của đơn vị, trong đó cần chú trọng các nội dung sau:

Nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, hướng dẫn và giám sát việc tự học của học sinh để đạt hiệu quả, khuyến khích học sinh tự nghiên cứu học tập thông qua các phần mềm, các video bài giảng, website ôn luyện,...

9adce236732dcd73943c.jpg
Văn bản của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Bố trí linh hoạt các giải pháp dạy học trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến, một giáo viên có thể dạy cho nhiều học sinh để tổ chức ôn luyện cho học sinh.

Thực hiện tốt việc phân hóa đối tượng học sinh, từ đó ưu tiên bố trí giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ học sinh có kết quả học tập ở mức Chưa đạt hoặc Đạt, hướng dẫn học sinh có kết quả học tập ở mức Khá và Tốt tự học tập và ôn luyện theo cá nhân hoặc nhóm học tập.

Ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt dạy ôn thi cuối cấp cho học sinh, hạn chế việc phân công những giáo viên này đảm nhiệm các nhiệm vụ kiêm nhiệm khác.

Trường hợp không bố trí được nguồn kinh phí động viên, khuyến khích giáo viên dạy bổ sung kiến thức, đáp ứng nguyện vọng của học sinh (nhất là học sinh có kết quả học tập ở mức Chưa đạt) nhưng không thu tiền của học sinh, đổi mới cách thức tổ chức, hướng dẫn học sinh nghiên cứu tài liệu, cung cấp nguồn tài liệu, đề thi cho học sinh tự ôn luyện.

Điều chỉnh tiêu chí thi đua của nhà trường, kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân dạy học và ôn luyện không thu tiền, tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh, đạt hiệu quả cao trong công tác giáo dục.

Phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý học sinh, đặc biệt là quản lý giám sát học sinh tự học, tự nghiên cứu trong thời gian không học tại trường.

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Sở GD&ĐT để kịp thời giải quyết".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ