Sơ cứu đúng cách là 'chìa khóa' cứu sống người bị đuối nước

GD&TĐ - Chuyên gia chỉ cách sơ cứu chuẩn, để cứu người bị đuối nước.

Bệnh nhi đuối nước được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: BVCC)
Bệnh nhi đuối nước được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: BVCC)

Hàng loạt trẻ đuối nước

Ngày 2/8, Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trẻ (nam, 10 tuổi) ở Phú Xuyên (Hà Nội) được chuyển từ Bệnh viện Nông nghiệp đến trong tình trạng đặt nội khí quản, phải thở máy, suy hô hấp, đuối nước, phù phổi cấp.

Chị bệnh nhân (11 tuổi) kể, ngày 2/8 cùng nhiều trẻ khác đang chơi thì em (10 tuổi) bị trượt chân ngã xuống ao. 2 chị em (biết bơi) vội lặn xuống ao tìm và kéo được em lên. Từ lúc em bị đuối nước đến lúc được vớt lên chừng 2 phút.

Trẻ được vớt lên trong tình trạng bất tỉnh, người tím tái, mềm nhũn, nên chị bệnh nhân đã áp tai vào ngực nghe tim. Tim trẻ còn đập, nhưng yếu, sờ lên mũi thì thấy hơi thở rất yếu.

Với kiến thức sơ cứu (được nhà trường trang bị, xem qua truyền hình) người chị đã hô hấp nhân tạo và ấn tim cho em thì thấy ra được một chút nước.

Ấn tim được 2 lần thì em nói: Cứu (nhưng rất bé). Người chị tiếp tục ấn thì em mở to mắt ra nhìn. Trong lúc chị ấn tim và hô hấp nhân tạo cho em, người chị còn lại đi gọi giúp đỡ.

ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, điều may mắn là quá trình xử lý cấp cứu ngay ban đầu của chị bệnh nhân rất hợp lý.

Khi bệnh nhân được cứu lên, có tình trạng tím tái, nghe tim vẫn còn nhưng yếu, không tự thở. Người chị đã ngay lập tức hô hấp nhân tạo, ép tim và gọi người lớn đến hỗ trợ.

Sau 2 đến 3 lần thực hiện ép tim, hô hấp nhân tạo thì bệnh nhân đã tỉnh hơn rồi được đưa đến trạm xá. Nếu không được cấp cứu đúng cách, sau khoảng 5 phút, bệnh nhân có thể ngừng thở, ngừng tim dẫn đến các di chứng nặng nề hoặc tử vong.

Thời gian qua, liên tiếp các trường hợp trẻ bị đuối nước được ghi nhận. Cuối tháng 5, mẹ bé C.T. (5 tuổi, Hà Nội) cho biết, trẻ được đưa xuống bể bơi gần nhà họ hàng chơi.

Chỉ vài phút sơ suất, trẻ bị đuối nước và được đưa lên bờ trong tình trạng không tỉnh, tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Sau khi được dốc ngược chạy quanh bể nhưng không cải thiện, trẻ mới được đưa đến một bệnh viện cách đó khoảng 5 phút di chuyển.

Tại đây, các bác sĩ đã lập tức hồi sức tim phổi, sau 15 phút tim trẻ mới đập trở lại. Trẻ được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị. Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Những năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng và nguy kịch vì đuối nước. Trong đó, nhiều trường hợp được cấp cứu ngừng tuần hoàn sai cách.

Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu, tăng nguy cơ trào ngược và hít phải các chất dịch từ dạ dày vào phổi.

Cần đánh giá hiện trường

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, để sơ cứu đúng cách cho nạn nhân đuối nước, trước hết, phải đánh giá hiện trường. Hiện trường phải an toàn thì mới xử lý cho bệnh nhân.

Khi cứu được bệnh nhân, phải đánh giá về đường thở, tim, phổi của bệnh nhân. Áp vào mũi, miệng, ngực của bệnh nhân xem còn thở không, nghe xem tim có không. Nếu thấy bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim, có tím tái, thì tiến hành ép tim, thổi ngạt ngay.

Với đánh giá ngoài môi trường thì có thể ép tim, thổi ngạt theo tỷ lệ 30/2 (ép tim 30 lần, thổi ngạt 2 lần). Sau khoảng 4 đến 5 lần, đánh giá lại xem bệnh nhân có thở được, có tim lại hay không. Nếu không, tiếp tục ép tim, thổi ngạt đến khi có người hỗ trợ đến.

Khi cấp cứu, đặt bệnh nhân trên nền cứng, nằm nghiêng an toàn để tránh trào ngược vào đường thở. Phải ngửa cổ bệnh nhân để thông thoáng đường thở. Đảm bảo cấp cứu tại chỗ trước, sau khi ổn định mới chuyển bệnh nhân đi.

Nếu bệnh nhân đang ngừng thở ngừng tim, mà chuyển đi luôn thì chắc chắn sẽ gặp di chứng rất nhiều hoặc tử vong. Lưu ý, không được dốc ngược bệnh nhân lên và chạy. Khi dốc ngược lên sẽ rất dễ gây trào ngược vào đường thở. Nếu bị suy hô hấp, tình trạng bệnh nhân có thể diễn biến nặng hơn.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp. Việc cấp cứu giúp giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân, tốt nhất là ngay từ cơn ngừng thở đầu tiên, tức là trong vòng từ 1 - 4 phút đầu tiên. Đây là thời điểm vàng sơ cứu nạn nhân đuối nước.

Với cấp cứu ngay ở dưới nước, cần túm gáy hoặc nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước. Sau đó, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Nhanh chóng quàng tay qua nách, nâng gáy (bằng kiểu bơi ếch ngửa) hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ.

Khi đưa được nạn nhân lên bờ hay thuyền, phải tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay. Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước. Do đó, phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo. Qua đó, giúp không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.

Sau sơ cứu ban đầu, khi đã tỉnh lại, người đuối nước cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra. Mục đích là xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước, hay còn được gọi là “chết đuối trên cạn” hay không.

Một người đã hít phải nước có thể gặp các dấu hiệu của phù phổi cấp như: Khó thở, đau ngực hoặc ho; thay đổi đột ngột hành vi, người mệt mỏi… Những dấu hiệu này không dễ dàng được phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu để lâu, nguy cơ tử vong sẽ cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ