Thái Lan hôm qua báo cáo số ca mắc 967 ca mắc Covid-19 mới và đây là mức tăng cao nhất trong ngày tại quốc gia này. Trong số các ca mắc, 964 ca mắc trong nước và gồm 236 ca ở thủ đô Bangkok – tâm chấn của dịch đã lây lan ra hầu hết 77 tỉnh của Thái Lan.
Số ca mắc tại Thái Lan tăng lên trước ngày lễ Songkran khiến nhà chức trách phải khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và giảm tụ tập. Ít nhất 38 tỉnh đã yêu cầu người từ nơi có nguy cơ cao phải cách ly 14 ngày. Các tụ điểm hoạt động về đêm như quán rượu, karaoke ở Bangkok và 40 tỉnh khác sẽ phải đóng cửa cho tới 23/4.
Ấn Độ hôm qua báo cáo mức tăng kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19 trong ngày với 152.879 ca. Đây là kỷ lục lần thứ 6 mà Ấn Độ chứng kiến trong một tuần. Số ca tử vong mới là 839 – cao nhất trong hơn 5 tháng, đưa tổng số ca tử vong lên 169.275 ca khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 tiếp tục khiến nhiều bệnh viện quá tải. Hiện số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ là hơn 13,35 triệu ca, cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Brazil.
Tại Hàn Quốc, nhà chức trách cho biết sẽ tiếp tục tiêm vắc xin vào tuần này sau khi quyết định tiêm vắc xin AstraZeneca cho mọi người đủ điều kiện từ 30 tuổi trở lên. Trước đó, Hàn Quốc dừng tiêm vắc xin trên cho người dưới 60 tuổi khi châu Âu xem xét các trường hợp bị huyết khối sau khi tiêm ở người lớn. Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch Hàn Quốc cho biết người dưới 30 tuổi vẫn chưa được tiêm vắc xin do lợi ích của mũi tiêm chưa vượt quá nguy cơ trong nhóm tuổi này.
Tại Chile, nhà chức trách hôm qua ủng hộ việc nước này sử dụng rộng rãi vắc xin Covid-19 do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất sau khi quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại đây đưa ra tuyên bố không nhất quán về tính hiệu quả của nó. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc Gao Fu cho biết nước này đang xem xét pha trộn các vắc xin Covid-19 với nhau vì những vắc xin hiện tại “không có tỷ lệ bảo vệ cao”. Sau đó ông nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước rằng bình luận của ông “hoàn toàn bị hiểu nhầm”.
Số liệu hiện có cho thấy vắc xin Trung Quốc tụt hậu so với các vắc xin khác, bao gồm Pfizer và Moderna về tính hiệu quả, nhưng không đòi hỏi việc kiểm soát nhiệt độ gắt gao khi lưu trữ.
Vắc xin Covid-19 do Sinovac của Trung Quốc được phát hiện chỉ hiệu quả hơn 50% so với việc giảm lây nhiễm trong các thử nghiệm lâm sàng ở Brazil. Một nghiên cứu thực tế về dữ liệu tiêm chủng và lây nhiễm của ĐH Chile vào tuần trước cho thấy vắc xin này có hiệu quả 54% trong việc giảm lây nhiễm. Chile đã chi 3,5 triệu USD để tổ chức thử nghiệm lâm sàng vắc xin và cũng đã đặt hàng 60 triệu liều vắc xin Trung Quốc để tiêm cho dân số 18 triệu người trong vòng 3 năm.