SIPRI: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất

GD&TĐ - Hiện nay, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trên thực tế đang ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc – báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) Stockholm tuyên bố hôm nay (13/6).

(Ảnh: TASS)
(Ảnh: TASS)

Các chuyên gia chắc chắn rằng tất cả các cường quốc thuộc “câu lạc bộ hạt nhân” (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên) đều có ý định tăng số lượng đầu đạn trong những năm tới nếu căng thẳng giữa các cường quốc thế giới không được giải quyết.

Báo cáo trên cũng cho biết trong vài năm qua, quan hệ giữa các cường quốc trên xấu đi đến mức cực độ.

Ngoài ra, báo cáo nói rằng các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng chưa được các bên nhất trí.

Các chuyên gia của SIPRI kết luận rằng, với những thay đổi quan sát được trong chiến lược quân sự của các cường quốc hàng đầu thế giới và nỗ lực giải trừ quân bị bằng ngoại giao bị trì trệ, các kho vũ khí hạt nhân sẽ tăng lên lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Ngày 6/6, Thư ký báo chí Dmitry của Tổng thống Nga cho biết Moscow đồng quan điểm với phía Mỹ về việc không thể nối lại đàm phán giữa 2 nước về vũ khí hạt nhân trong thời điểm hiện tại.

Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan cho biết vấn đề vũ khí hạt nhân là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, theo ông việc nối lại đàm phán Nga – Mỹ về vũ khí hạt nhân khó có thể xảy ra trong điều kiện hiện nay.

Cuối tháng 5, trên tờ The New York Times, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng nhiều người trên thế giới lo ngại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân. Đồng thời, ông nói thêm rằng Mỹ không thấy dấu hiệu nào xác nhận Nga có ý định sử dụng loại vũ khí này.

Theo Izvestia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ