Sinh viên y khoa Nhật Bản “chật vật” với lớp đào tạo lâm sàng

GD&TĐ - Do Covid-19, nhiều trường y tại Nhật Bản không thể đào tạo trực tiếp. Do đó, không ít sinh viên lo rằng, họ không đủ kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp.

Một sinh viên y khoa tại Trường Đại học Nagoya kiểm tra lịch trình đào tạo và báo cáo bài tập trực tuyến.
Một sinh viên y khoa tại Trường Đại học Nagoya kiểm tra lịch trình đào tạo và báo cáo bài tập trực tuyến.

Vào giữa tháng 4, có 87 sinh viên y khoa năm thứ hai tại Trường Đại học Y khoa Fujita ở Toyoake, tỉnh Aichi, đệ đơn kêu gọi nhà trường tổ chức các lớp đào tạo giải phẫu.

Thời điểm đó, trường đại học đã đóng cửa sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp do Covid-19. Quyết định đóng cửa đã dẫn đến việc hủy bỏ các lớp học giải phẫu. Đây là lớp học cho phép sinh viên nghiên cứu cơ thể được hiến tặng của bệnh nhân và hiểu về cách cơ thể hoạt động.

Hitomi Nakamura (20 tuổi), người biên soạn bản kiến ​​nghị, cho biết: “Chúng tôi tin rằng, các lớp học này là điều cần thiết để trở thành bác sĩ giỏi”.

Từ tháng 5 đến tháng 7, nhà trường đã quyết định đáp ứng yêu cầu của sinh viên và tổ chức các lớp đào tạo giải phẫu, sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Trước bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học Nhật Bản đã chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, khoa y của các trường đại học đang gặp khó khăn trong việc tổ chức lớp giải phẫu và khóa đào tạo tại chỗ khác.

Không ít sinh viên y khoa bày tỏ lo ngại rằng, liệu họ có đủ tiêu chuẩn để làm bác sĩ nếu không đủ kinh nghiệm hay không. Để trở thành bác sĩ, sinh viên cần đạt được các tín chỉ cần thiết trong 6 năm đại học và vượt qua kỳ thi quốc gia dành cho bác sĩ y khoa.

Thông thường, sinh viên y khoa phải trải qua trung bình 2.000 giờ thực hành lâm sàng từ nửa cuối năm học thứ 4 đến nửa đầu năm thứ 6. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, nhiều trường đại học đã chuyển một phần lớp đào tạo tại chỗ sang bài tập mô phỏng và báo cáo trực tuyến.

Trường Đại học Y khoa Fujita vẫn tiếp tục đào tạo trực tiếp cho sinh viên, tiến hành phân vùng tại bệnh viện để người học không tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Trường đại học cũng hạn chế nghiêm ngặt việc sinh viên ra ngoài ăn uống hoặc đi du lịch tới các tỉnh khác.

“Sinh viên y khoa bắt đầu giống như bác sĩ sau khi trải qua hàng loạt khóa đào tạo lâm sàng. Họ có thể học được nhiều điều từ mặt trận y tế ngày nay, nhằm đối phó với căn bệnh truyền nhiễm bằng tất cả sức lực của mình”, Nakao Iwata - Trưởng khoa Y của Trường Đại học Y khoa Fujita, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo tại chỗ.

Trong khi đó, Trường Đại học Nagoya đã ngừng đào tạo lâm sàng kể từ tháng 3, sau khi cân nhắc các nguy cơ lây nhiễm tại bệnh viện. Thay vào đó, các sinh viên y khoa tại trường tổ chức cuộc thảo luận với giáo viên thông qua Zoom và sau đó gửi báo cáo.

Trong thời gian này, mỗi ngày, các giáo viên sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện sinh viên của từng lớp. Họ thảo luận về các biện pháp phòng chống lây nhiễm, nhằm giảm bớt lo lắng của người học. Trường đại học dần tiếp tục đào tạo lâm sàng kể từ giữa tháng 6, khi làn sóng Covid-19 đầu tiên lắng xuống.

Takahiro Ichino (24 tuổi) - một sinh viên năm thứ 5 tham dự cuộc họp, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao việc trường đại học đã tạo cơ hội để lắng nghe sinh viên”.

Tuy nhiên, nam sinh này cũng bày tỏ lo ngại rằng, có một số ngành mà mình không có cơ hội được đào tạo.

“Tôi chắc chắn rằng, có những sinh viên đã suy nghĩ về việc chọn một lĩnh vực chuyên sâu sau khi được đào tạo đa khoa. Tôi hy vọng trường đại học sẽ thực hiện các biện pháp để mọi người không nói rằng, các bác sĩ thuộc thế hệ “Covid-19” là vô dụng”,  Ichino chia sẻ.

Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các trường đại học tổ chức giảng dạy từ xa nếu không thể đào tạo lâm sàng tại chỗ trong bối cảnh đại dịch. Sinh viên đạt các tín chỉ theo yêu cầu của trường đại học sẽ được phép tham dự kỳ thi quốc gia dành cho người hành nghề y. Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là, làm thế nào để bù đắp cho sinh viên những cơ hội đã mất trong việc đào tạo lâm sàng.

Theo Japan Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ