Sinh viên vừa ra trường đã có 2 năm kinh nghiệm chuyên môn – tại sao không?

GD&TĐ - Làm thêm là vấn đề luôn được các bạn sinh viên quan tâm khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Làm thêm đối với nhiều bạn sinh viên không đơn thuần là để trang trải cuộc sống, mà nó còn giúp các bạn trau dồi kỹ năng, cũng như khả năng liên kết các vấn đề lý thuyết với thực tế.

Sinh viên vừa ra trường đã có 2 năm kinh nghiệm chuyên môn – tại sao không?

Đối với ngành Tài chính, tìm được công việc làm thêm đúng chuyên ngành không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi tính chất chuyên nghiệp của nghề nghiệp. Tuy nhiên, không ít các bạn sinh viên tại một số trường đại học có tiếng vẫn tìm được cơ hội việc làm đúng chuyên môn khi đang là sinh viên năm 3, năm 4. Điều này giúp các bạn củng cố bề dày kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc sau khi ra trường.

Là một sinh viên năm 4 ngành Tài chính của Học viện Ngân hàng (HVNH), bạn Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đã trúng tuyển đúng chuyên ngành học tại một công ty kế toán - thuế của Nhật Bản. Từ những trải nghiệm của bản thân, Thúy Quỳnh chia sẻ những kiến thức chuyên ngành nền tảng là vô cùng quan trọng, nó giúp bạn không gặp nhiều khó khăn trong công việc liên quan đến kiến thức chuyên môn: “Thầy cô giảng viên luôn hỗ trợ chúng mình hết sức tận tình trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, kiến thức chuyên môn dù có trong chương trình học hay không và thông qua quá trình thực hiện công việc mình cảm thấy những kiến thức này rất sát, hữu ích, áp dụng đầy đủ trong công việc thực tiễn của mình. Bản thân mình nghĩ rằng việc đưa một môn học vào dạy với nội dung ra sao, thời lượng như thế nào,.. đều là cả quá trình nghiên cứu và tâm huyết của thầy cô. Vì vậy, mình luôn tin tưởng vào chương trình đào tạo mà thầy cô trong bộ môn, trong khoa đã xây dựng và chỉ dạy cho sinh viên”.

Cũng như Thúy Quỳnh, tuy mới là sinh viên năm 3 với hướng chuyên sâu Chứng khoán, bạn Trần Thanh Tùng sớm tìm được cho mình công việc tại phòng môi giới Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - SSI. “Khi còn là sinh viên năm nhất em đã có cơ hội tìm hiểu về thị trường chứng khoán thông qua các buổi hội thảo của khoa cũng như của trường. Bước vào năm thứ ba khi học môn Thị trường chứng khoán em đã có thêm nhiều kiến thức hơn liên quan đến lĩnh vực này. Cùng thời gian đó em bắt đầu làm việc tại SSI, qua quá trình làm việc tại SSI thì kinh nghiệm từ các anh chị trong công ty và các kiến thức đã học trên trường đã giúp công việc của em thuận lợi hơn khá nhiều.”

Còn đối với bạn Nhâm Quỳnh Chi - sinh viên năm 4 (Chương trình Chất lượng cao chuyên ngành Tài chính - HVNH) lại chọn hướng đi khác, vốn đam mê kinh doanh, ngay từ năm đầu vào trường bạn đã tự tập kinh doanh. Quỳnh Chi đã kinh doanh rất nhiều loại mặt hàng khác nhau như mỹ phẩm, bánh ngọt, trà sữa và hiện tại Quỳnh Chi đang quản lý một cửa hàng phụ kiện điện thoại. Chia sẻ với chúng tôi, Quỳnh Chi nói: “Trong quá trình học đại học, những kiến thức về tài chính và kỹ năng quản lý tài chính được học trên ghế nhà trường đã giúp mình rất nhiều trong việc quản lý một cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại từ năm 2. Sang đầu năm 4, khi bắt đầu được học sâu hơn vào kiến thức chuyên ngành, mình mạnh dạn ứng tuyển vào vị trí Thực tập sinh Tư vấn Thuế tại Deloitte, EY và KPMG và may mắn nhận được 3 offer luôn.”

Bạn Nhâm Quỳnh Chi, sinh viên Chất lượng cao Khoa Tài chính – HVNH

Bạn Nhâm Quỳnh Chi, sinh viên Chất lượng cao Khoa Tài chính – HVNH

Làm thêm với sinh viên có khó?

Vấn đề lớn nhất đối với hầu hết sinh viên khi vừa học đại học vừa đi làm đó là việc cân đối thời gian. Khi được hỏi, vừa học vừa làm có ảnh hưởng đến kết quả học tập không, hầu hết các bạn đều thừa nhận là có. “Chắc chắn việc đi làm sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập nếu không thể sắp xếp cân đối, nhưng khi mình biết cách sắp xếp công việc, làm việc có kế hoạch hơn để cân bằng cuộc sống. Vừa học vừa làm cũng dạy cho mình cách sắp xếp thời gian hiệu quả hơn”. Quỳnh Chi tâm sự.

Đối với Thúy Quỳnh: “Khó khăn lớn nhất trong thời gian trên của mình đó là việc cân đối giữa thời gian đi làm và đi học. Mình đi làm khá xa cho nên mỗi ngày sau khi về nhà đều khá mệt và không có nhiều thời gian cho các việc khác. Mình cũng không thể nghỉ làm quá nhiều do đó mình luôn cố gắng hoàn thành công việc sớm hoặc OT đến tối muộn trong những ngày khối lượng công việc quá nhiều để hôm sau có thể dành thời gian trọn vẹn ngày cho việc học online và ôn lại kiến thức. Khoảng thời gian hoàn thành Khóa luận tốt nghiệp là khoảng thời gian mình áp lực nhất vì tuy rằng thời điểm đó không còn các môn học khác nhưng lại đúng thời kỳ quyết toán năm và quyết toán quý, khối lượng công việc rất nặng và thời gian đó gần như mình thường thực hiện Khóa luận vào lúc đêm muộn. Tuy nhiên ngoài sự quan tâm của gia đình, bạn bè thì những sự chia sẻ, động viên, sự tạo điều kiện và những lời nhắn nhỏ nhưng tâm huyết của giảng viên hướng dẫn cũng như các thầy cô trong bộ môn và Khoa cũng chính là một nguồn động lực nhỏ để mình vừa tiếp tục công việc, vừa có thể hoàn thành tốt Khóa luận tốt nghiệp của mình.”

Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, sinh viên năm cuối chuyên sâu Thuế (Khoa Tài chính –HVNH)

Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, sinh viên năm cuối chuyên sâu Thuế (Khoa Tài chính –HVNH)

Ở một góc nhìn khác, Thanh Tùng cho rằng, khi thay đổi cách học thì việc đi làm sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến việc học, ngược lại còn giúp cho việc học có hiệu quả và ghi nhớ lâu hơn: “Bên cạnh việc đi làm thì em cũng thay đổi lại cách học khác với các năm trước, sau mỗi buổi học thì em cùng bạn bè ôn lại kiến thức luôn. Điều này giúp cho việc nhớ kiến thức sâu hơn, đồng thời luyện bài tập luôn trong buổi tối hôm ấy, bài nào khó thì hỏi lại thầy cô”.

Ngoài ra, Thanh Tùng cũng cho rằng các môn chuyên ngành năm 3 và năm 4 đều liên quan đến kiến thức tại nơi bạn làm việc, nên việc làm thêm tại SSI còn giúp bạn ôn lại những kiến thức thầy cô đã giảng bằng thực tế trải nghiệm của bản thân, “cũng coi như học lần 2 luôn”. Thanh Tùng chia sẻ thêm: “Thời gian còn lại em tìm hiểu về công việc cũng như là cho các hoạt động khác trên trường cũng như bạn bè. Tất cả đã cho em những trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ.”

Trần Thanh Tùng - K22TCB chuyên sâu Kinh doanh chứng khoán (Khoa Tài chính – HVNH)

Trần Thanh Tùng - K22TCB chuyên sâu Kinh doanh chứng khoán (Khoa Tài chính – HVNH)

Qua những chia sẻ trên, có thể thấy việc cân đối thời gian giữa đi học và đi làm thêm là rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là các bạn sinh viên nên lựa chọn công việc phù hợp với chuyên ngành của mình để gắn lý thuyết với thực tiễn, nhờ đó việc đi làm thêm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc học mà còn hỗ trợ việc học đại học có hiệu quả và trực quan hơn, làm hành trang vào đời vững chắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.