Sinh viên 'thực chiến' trên giảng đường

GD&TĐ - Các hoạt động tham quan, kiến tập trực tiếp tại doanh nghiệp đang được các trường ĐH, CĐ đẩy mạnh nhằm xây dựng kiến thức “thực chiến” cho SV.

Sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TPHCM tham quan tại một khách sạn. Ảnh: HUTECH
Sinh viên ngành Quản trị Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TPHCM tham quan tại một khách sạn. Ảnh: HUTECH

Làm quen với “Company tour” từ năm nhất

Tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông nhà trường cho biết, HUTECH là trường tiên phong với mô hình Đại học - Doanh nghiệp nên hoạt động “Company tour” vô cùng quan trọng và đến nay có thể xem là bắt buộc.

Điểm nhấn của hoạt động tham quan, kiến tập doanh nghiệp tại HUTECH chính là triển khai ngay từ năm học đầu tiên và gắn liền với đặc trưng, thực tiễn đào tạo của từng ngành học cụ thể. Chẳng hạn, sinh viên Công nghệ thông tin có “HUTECH IT Office Tour”; sinh viên nhóm ngành Kinh tế - Quản trị - Tài chính - Ngân hàng có “Company Tour”; sinh viên nhóm ngành Quản trị du lịch - nhà hàng - khách sạn có “Hotel Tour”, sinh viên ngành Dược có “HUTECH PharmaCom Tour”…

“Các doanh nghiệp mà sinh viên đến tham quan thường là những tên tuổi uy tín trong lĩnh vực hoạt động và đối tác mật thiết của trường. Có thể kể đến: VNPT, FPT Software HCM, Hitachi Vantara Việt Nam, TMA Tech Group, DXC Technology, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, showroom Audi Tân Bình, Nhà máy sữa Vinamilk, Công ty TNHH Yakult Việt Nam, Công ty CP chứng khoán Rồng Việt, Vietcombank, Sacombank, các khách sạn, nhà hàng, trung tâm tổ chức hội nghị 5 sao như Gem Center, Grand Hotel Saigon, Khách sạn InterContinental Saigon, Imperial Vũng Tàu…”, bà Dung chia sẻ.

Thế mạnh của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) là mạng lưới doanh nghiệp lên tới hơn 1.000 đơn vị nên có lợi cho việc tổ chức các hoạt động “Company tour”.

“Ngoài tổ chức tham quan, kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp, các đơn vị này cũng thường xuyên đến trường tổ chức buổi trao đổi, chuyên đề… để sinh viên tiếp cận thị trường lao động ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường. Vì vậy khi ra trường, các em quen với tác phong làm việc tại doanh nghiệp nên không bị bỡ ngỡ”, ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông (UEF) cho biết.

Tương tự, Trường Đại học Công Thương TPHCM đã ký kết với mạng lưới hơn 500 doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên trong hoạt động “Company tour”. Cụ thể, chương trình đào tạo hiện có modun “tham quan - kiến tập - và học kỳ doanh nghiệp” nên các khoa và nhà trường cùng làm việc với doanh nghiệp để sinh viên được đến trải nghiệm thường xuyên.

Theo ThS Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp (Trường Đại học Công Thương TPHCM), sinh viên tham gia hoạt động “Company tour” gồm 3 đợt: Tham quan, kiến tập và thực tập. Sinh viên đến doanh nghiệp tham quan có thể tìm hiểu để thấy nhà máy, văn phòng của doanh nghiệp vận hành thế nào… Tùy theo lĩnh vực, sinh viên ngành Kinh tế có thể đến các doanh nghiệp, ngân hàng, tham quan dây chuyền sản xuất. Đây là khâu quan trọng để giúp các em hiểu rõ giữa lý thuyết học được ở giảng đường và thực tế sản xuất ra sao.

“Sau thời gian tham quan, sinh viên có khoảng 1 tuần kiến tập để quan sát doanh nghiệp vận hành thế nào để nhìn nhận và có thời gian cọ xát với doanh nghiệp hơn. Cuối cùng là học kỳ doanh nghiệp, sinh viên sẽ có 3 tháng để thực tập và làm việc thực tế tại doanh nghiệp”, bà Thoa thông tin.

Sinh vien thuc chien tren giang duong (2).JPG
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô của HUTECH tham quan showroom Audi Tân Bình.

Cơ hội “thực chiến” trên giảng đường

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông (HUTECH) cho hay, trong những chuyến tham quan, kiến tập tại doanh nghiệp của sinh viên sẽ có sự đồng hành của nhà quản lý hay chuyên viên kỳ cựu tại từng đơn vị.

Sinh viên được hướng dẫn tìm hiểu tính chất công việc cụ thể của từng vị trí nghề nghiệp, văn hóa và tác phong làm việc chuyên nghiệp trong môi trường doanh nghiệp, quan sát thực tế quy trình sản xuất và cách thức tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, các giải pháp số, nền tảng số và phần mềm công nghệ mới đang được ứng dụng tại doanh nghiệp.

“Ngay từ giai đoạn còn học tập, sinh viên HUTECH đã dần định hình được nhận thức đa chiều, khách quan về lĩnh vực nghề nghiệp yêu thích, hiểu rõ doanh nghiệp cần gì ở một nhân sự và bản thân cần tiếp tục hoàn thiện kiến thức, kỹ năng gì để theo kịp ‘tầm đón đợi’ của nhà tuyển dụng. Nắm vững những điều này thì sau khi ra trường, các em có thể thích nghi, hòa nhập ngay với môi trường doanh nghiệp, tạo ấn tượng đẹp với nhà tuyển dụng và môi trường làm việc ngay từ đầu”, bà Dung khẳng định.

Còn ThS Dương Công Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, nhà trường ký kết với khoảng 300 doanh nghiệp để đưa sinh viên đến tham quan và thực tập. “Nhà trường sẽ sàng lọc các đơn vị, doanh nghiệp tốt nhất và đúng lĩnh vực sinh viên theo học để có cơ hội trải nghiệm công việc thực tế. Chẳng hạn với khối Y dược, sinh viên được kiến tập, thực tập tại các bệnh viện lớn ở TPHCM. Hoặc với khối ngành Kinh tế, du lịch hay công nghệ ô tô, người học cũng được kết nối với doanh nghiệp đầu ngành để học tập kinh nghiệm thực chiến tại các đơn vị”, ThS Hiếu nói.

Hoạt động “Company Tour” được Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM triển khai xuyên suốt trong cả năm học cho sinh viên các ngành, có những môn học sinh viên được đi tham quan lẫn kiến tập.

“Ở khía cạnh đào tạo, UEF xuyên suốt quan điểm đào tạo gắn kết với thực tiễn nên ngoài việc kết hợp môn học và đi thực tế thì trong suốt quá trình đào tạo sẽ có thời gian theo từng chủ đề sinh viên được kiến tập tham quan, tìm hiểu công việc cũng như nắm bắt tình hình xu thế của thị trường”, bà Bích nói. Đặc biệt, đến khâu quan trọng nhất là giai đoạn “hành trang khởi nghiệp”, UEF sẽ có 1 chuỗi hoạt động kéo dài khoảng 1 tháng để nhà trường trang bị cho sinh viên kiến thức đi, đứng, thái độ ứng xử, học Luật Lao động, tổ chức ngày hội tuyển dụng.

Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), có 2 chương trình gồm E-Talk mời các doanh nhân, nhà quản lý đến chia sẻ cho sinh viên và C-Tour đưa sinh viên tham quan thực tế tại các doanh nghiệp. Cả hai chương trình này trở thành kênh kết nối giữa sinh viên, nhà trường với doanh nghiệp và môi trường thực tế, từ đó nâng cao kỹ năng làm việc của người học sau khi tốt nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nước sông Cầu qua phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh lên báo động 3. (Ảnh chụp hồi 8h30 ngày 10/9)

Bắc Ninh cảnh báo lũ trên các sông

GD&TĐ - Sáng 10/9, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh thông báo về tin lũ khẩn cấp trên sông Cầu, cảnh báo lũ trên sông Đuống tỉnh Bắc Ninh.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Ông nội 'keo kiệt'

GD&TĐ - Ông nội tôi là một người vừa khiến người ta yêu vừa khiến người ta 'ghét', tính 'keo kiệt' của ông nổi tiếng khắp cả họ hàng làng xóm láng giềng.