Sinh viên nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh vì đâu?

GD&TĐ - Nhằm chuẩn hóa chất lượng đào tạo và bảo đảm các thang đo cho hệ thống kiểm định, nhiều trường đại học đã xây dựng chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Sinh viên luyện thi IELTS tại The IELTS Workshop.
Sinh viên luyện thi IELTS tại The IELTS Workshop.

Hiện mỗi trường có một quy định về chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên, hướng đến mục tiêu chung đào tạo nguồn nhân lực có thể hội nhập với thị trường lao động khu vực và quốc tế.

Chuẩn đầu ra vẫn ở mức thấp

Hiện các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đều quy định chứng chỉ tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp. Tùy theo điều kiện từng trường với đặc thù khối ngành đào tạo mà chuẩn đầu ra tiếng Anh sinh viên phải đạt là B1 theo khung tham chiếu châu Âu, điểm IELTS từ 4.5 - 6.5 hay TOEIC từ 450 - 550.

Điều đáng nói là dù chuẩn đầu ra tiếng Anh của nhiều trường đưa ra so với thang bảng so sánh mức điểm chuẩn của châu Âu chỉ ở mức trung bình, nhưng vẫn có không ít sinh viên gặp khó trong việc hoàn thành chuẩn theo quy định.

Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, các trường đại học đều bắt buộc sinh viên phải hoàn thành chuẩn đầu ra tiếng Anh theo quy định mới xét tốt nghiệp. Mức chuẩn đầu ra tiếng Anh của từng trường cũng khác nhau. Có trường chỉ yêu cầu chứng chỉ B1, nhưng có trường yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ TOEIC 450 điểm với hệ đại trà, 550 - 650 điểm với hệ chất lượng cao, chuyên ngành.

“Nghe thì có vẻ cao nhưng thực tế mức điểm tiếng Anh chuẩn đầu ra của các trường hiện nay chỉ ở mức trung bình so với mức cao nhất của TOEIC là 990 điểm. Tuy vậy, tỷ lệ sinh viên nợ chứng chỉ để hoàn thành chuẩn đầu ra ở các trường hiện vẫn khá cao, điều đó cho thấy việc dạy học tiếng Anh vẫn chưa có sự đột phá”, ThS Sơn nói.

Thống kê nhanh từ các trường đại học tại TPHCM cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chưa thể nhận bằng vì nợ chuẩn tiếng Anh đầu ra chiếm từ 18 - 23%, cá biệt có nơi lên tới 28%. Với số lượng sinh viên bị “treo bằng” lớn như trên, việc phải học tập và trả nợ khá tốn kém.

Trịnh Thái Nguyên, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM cho biết: “Em vẫn chưa thể trả nợ xong chuẩn đầu ra tiếng Anh, dù đã mất hơn một năm ôn luyện. Hiện em đi luyện thi IELTS cấp tốc trong 3 tháng tại trung tâm với chi phí cũng khá cao. Em hy vọng sẽ có đủ kiến thức, kỹ năng để kịp thi vào đợt cuối năm và đạt. Nợ mãi chuẩn đầu ra tiếng Anh, em cũng mất nhiều cơ hội trong việc tìm kiếm việc làm”, Nguyên nói.

Theo TS Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, việc kiểm tra và có lộ trình bồi dưỡng, đào tạo sinh viên đạt các chuẩn kỹ năng ngoại ngữ là nhiệm vụ của các trường. Bởi hiện nay ngoài quy định bắt buộc sinh viên phải có chuẩn đầu ra tiếng Anh, việc bảo đảm nền tảng và vốn ngoại ngữ đủ để giao tiếp (nghe - nói) là một trong những mục tiêu lớn của các trường trong việc đào tạo nhân lực hướng tới thị trường lao động mở và hội nhập.

“Vì vậy, sinh viên sau khi được kiểm tra đầu vào sẽ phân loại và sắp xếp vào các lớp học phần theo đúng khả năng, trình độ năng lực. Từ đó, nhà trường lựa chọn giảng viên để có phương pháp giảng dạy phù hợp cho sinh viên. Chương trình, giáo trình, tài liệu học tập, nội dung và hình thức thi kết thúc các học phần tiếng Anh cơ bản 1 và tiếng Anh cơ bản 2 trong chương trình đào tạo do bộ môn Ngoại ngữ đề xuất và trình hiệu trưởng xem xét quyết định.

Các học phần ngoại ngữ được nhà trường tổ chức thi kết thúc học phần theo quy chế. Sinh viên có điểm đánh giá học phần đạt mới đủ điều kiện và trình độ để kiểm tra chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo quy định. Những sinh viên chưa đạt tiếp tục ôn tập”, TS Lê Nguyễn Quốc Khang cho biết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vì sao sinh viên yếu tiếng Anh?

Nguyên nhân sinh viên yếu tiếng Anh thì có nhiều, ngoài giáo trình giảng dạy chưa có sự đổi mới, phương pháp giảng dạy chưa đột phá, sự chủ động học tập của sinh viên chưa cao thì theo một số giảng viên, thời lượng giảng dạy tiếng Anh trong trường đại học chưa nhiều. Phần lớn chương trình hiện nay vẫn chỉ bố trí thời gian dạy tiếng Anh cho sinh viên từ 18 - 24 tín chỉ/năm học, tương đương 270 - 360 tiết. Trong khi đó, đào tạo cho sinh viên đạt trình độ TOEIC 450 điểm cần đến trên 400 tiết.

Đánh giá về thực trạng và chuẩn trình độ tiếng Anh của sinh viên hiện nay, giảng viên Nguyễn Thị Mỹ Phương, Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhìn nhận có sự không đồng đều rõ rệt về chất lượng giữa nhóm sinh viên ở TP và khu vực nông thôn.

“Để có kế hoạch và lộ trình học tập tốt môn Ngoại ngữ và đạt được chuẩn đầu ra theo quy định của trường, đầu năm sinh viên sẽ được kiểm tra và chia lớp theo cấp độ. Tuy vậy, việc phân chia lớp theo trình độ ngoại ngữ đầu vào dẫn đến sự khác biệt khá rõ giữa các lớp. Với lớp có sinh viên có năng lực ngoại ngữ tốt sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức và nhận được điểm đánh giá khá tốt. Tuy vậy, với lớp có trình độ trung bình, việc hổng kiến thức xảy ra nhiều, quá trình học tập và tiếp thu của sinh viên tương đối vất vả khi tiếp cận khối kiến thức mới ở đại học”, cô Phương đánh giá.

Theo ThS Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật TPHCM, sinh viên yếu tiếng Anh có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn xuất phát từ việc không chủ động trong kế hoạch học tập và sự chủ quan của bản thân.

“Nhiều em dù mức điểm kiểm tra tiếng Anh đầu vào rất tốt nhưng sau 4 năm học tập vẫn không thể hoàn thành chuẩn đầu ra theo quy định của trường. Tuy vậy, có em dù điểm đầu vào tiếng Anh không quá cao những bằng sự cố gắng và chủ động trong kế hoạch học tập, ngay từ cuối năm 3 đã hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh đầu ra.

Hiện chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường là TOEIC 450 điểm với hệ đại trà và 650 điểm với hệ chất lượng cao. Mức độ chuẩn trên cũng chỉ ở ngưỡng trên trung bình và tiệm cận khá theo chuẩn và thang đo quốc tế. Tuy vậy, Trường ĐH Luật TPHCM vẫn có gần 23% sinh viên không hoàn thành chuẩn tiếng Anh và phải trả nợ trong một thời gian”, ThS Hiển nói.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận, ngoại ngữ là môn học đòi hỏi sinh viên phải chủ động bởi khi người học không quyết tâm thì không ai có thể giúp được. Để sớm giúp sinh viên nhìn thấy khả năng ngoại ngữ của mình, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM thường 2 tháng lại tổ chức kỳ thi B1 nội bộ một lần. Qua kỳ thi ấy, nhà trường có thể theo dõi, giám sát quá trình học và biết được trình độ của sinh viên tiến bộ đến đâu để đốc thúc các em có kế hoạch ôn luyện, học tập, tránh việc không tốt nghiệp được chỉ vì nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ