Sinh viên Nhật âu lo viễn cảnh nợ nần

GD&TĐ - Mặc dù có học bổng và thu nhập từ công việc làm thêm tại một quán karaoke, Kengo Kyogoku vẫn phải vay khoảng 122.000 yen (1.035 USD)/tháng để trang trải chi phí học tập tại Trường ĐH Waseda (ở Tokyo) danh giá – bởi bố mẹ cậu không thể hỗ trợ tài chính cho con.

Sinh viên Nhật âu lo viễn cảnh nợ nần

Mất chỗ dựa gia đình

“Một khoản tiền khổng lồ” – Kyogoku, sinh viên chuyên ngành viễn thông và máy tính, chia sẻ - “Tôi cảm thấy chán nản khi nghĩ đến nó. Tôi lo rằng cả đời không thể trả hết nợ. Nhưng tôi không có sự lựa chọn khác”.

Trường hợp của Kyogoku đã trở thành phổ biến thay vì là ngoại lệ tại Nhật Bản – nơi có hơn một nửa sinh viên tìm đến vay tài chính. Vay tiền đi học là chuyện hiếm trong quá khứ tại Nhật Bản bởi hầu hết sinh viên thuộc gia đình trung lưu thừa khả năng chi trả học phí cho con. Tuy nhiên, phụ huynh ngày nay thừa hưởng di sản là nền kinh tế đóng băng trong một thời gian dài, có ít hơn những công việc thu nhập dư dả cho cả gia đình, khoản tiết kiệm cũng ít hơn.

Tổng vay tín dụng sinh viên tại Nhật không thấm tháp gì so với Mỹ (76 tỉ USD so với 1,3 nghìn tỉ USD) – nhưng vay tín dụng sinh viên tại Nhật đã tăng gấp 3 lần trong vài năm qua.

Nó tạo thêm áp lực tài chính lớn hơn lên thế hệ trẻ vốn đã phải oằn lưng vì gánh nặng thuế và phúc lợi xã hội. Nó làm nản chí những sinh viên nghèo, những người lo rằng không thể tìm được công việc có thu nhập đủ để trả nợ. Về phía chính phủ cũng chịu thêm áp lực tăng số lượng học bổng như một hình thức phúc lợi xã hội trong khi ngân sách ngày càng hạn hẹp.

Nợ nần và hệ lụy

Do hỗ trợ tài chính của gia đình giảm nhiều hoặc không còn, ngày càng nhiều sinh viên tìm đến Tổ chức dịch vụ hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (Jasso) – cơ quan được chính phủ ủy nhiệm cho vay tín dụng sinh viên với lãi suất từ 0 đến 3% tuỳ thuộc vào loại bằng cấp và lãi suất ngân hàng hiện hành.

Số sinh viên đại học vay mượn từ Jasso tăng 51% lên khoảng 976.000 trong một thập kỉ tính đến tháng 3/2016. Nếu tính cả các khoản vay và học bổng từ các nguồn khác, hơn một nửa sinh viên Nhật Bản hiện đang dựa vào hỗ trợ từ bên ngoài – theo Jasso.

Gánh nợ nần tăng dẫn tới những hệ luỵ, theo Yoshiharu Iwashige, một luật sư tại Tokyo. Một số sinh viên bỏ học để đi làm trả nợ, một số khác không thể trả nổi và tìm đến Iwashige nhờ làm thủ tục vỡ nợ.

“Điều này đã trở thành một vấn đề của lớp trung lưu” – Iwashige nói – “Nhiều người không kết hôn và sinh con bởi trả nợ vay là ưu tiên lớn nhất của họ”.

Nỗ lực của ông Abe dường như là không đủ để chặn cơn thuỷ triều vay mượn bởi bản thân chính phủ cũng chìm sâu trong nợ.

“Không thể thay đổi mọi thứ chỉ nhờ vào học bổng” – Chủ tịch Jasso, ông Katsushiro Endo, nhận xét.

Các trường đại học Nhật Bản cần phải giúp sinh viên hoặc chấp nhận nguy cơ mất đi những sinh viên xuất sắc ra nước ngoài học tập – theo Taiji Saito, Trưởng phòng công tác sinh viên Đại học Waseda. Trường đại học này cấp 2,1 tỉ yen học bổng trong năm tính đến cuối tháng 3/2016, trong khi sinh viên vay mượn 9,3 tỉ yen từ Jasso trong cùng kì.

Thủ tướng Shinzo Abe mới đây công bố dành 7 tỉ yen trong ngân sách cho học bổng chính phủ kể từ đầu năm tài chính tới (tháng 4/2017) trong một nỗ lực dành cơ hội GD đại học cho sinh viên nghèo. “Điều kiện kinh tế gia đình không nên là lực cản tới tương lai của trẻ” – ông Abe trình bày với Quốc hội hồi tháng 10 – “Nếu hỗ trợ học bổng cho 1 đứa trẻ và đứa trẻ đó nỗ lực làm việc thì đó là sự đầu tư cần thiết cho tương lai”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ