Trong một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu giáo dục IC3 thực hiện với sự tham gia của hơn 2.550 học sinh ở Ấn Độ và Nepal, có 83% học sinh trung học bày tỏ sự lạc quan về tương lai, bất chấp những thách thức hiện tại mà nền giáo dục phải đối mặt. 1/3 trong số này cho biết có kế hoạch đi du học trong tương lai gần.
Đối với sinh viên Ấn Độ, việc cân nhắc có nên ở lại quê hương hay đi du học không phải là vấn đề duy nhất. Giám đốc điều hành Viện IC3 Rajika Bhandari, cho biết quan điểm của thế hệ mới đang có sự thay đổi lớn.
Hơn một nửa số người được hỏi cho biết còn quá sớm để nói liệu Covid-19 có ảnh hưởng đến kế hoạch giáo dục đại học của họ hay không. Trong khi đó, 1/4 người cho biết kế hoạch của họ đã bị gián đoạn. Trong số này, 37% khẳng định đang tìm hiểu về phương án học trực tuyến. 32% nói sẽ không theo học ở ngôi trường mình đã chọn.
“Đó là điều khiến chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Chúng tôi nghĩ rằng, có một kiểu sinh viên Ấn Độ mới đang xuất hiện. Họ dường như đưa ra các quyết định mang tính định hướng nhiều hơn, theo sở thích và những gì kích thích họ. Điều này vượt ra ngoài các động cơ thuần túy là tiền lương hoặc uy tín công việc”, Bhandari nhận định.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 56% người tham gia chia sẻ, điều quan trọng nhất để sinh viên lựa chọn nghề nghiệp là niềm đam mê. Trong khi đó, 48% cho rằng công việc sẽ vui vẻ và thú vị. Số người quan tâm đến thu nhập từ công việc là 43%.
Một phát hiện đáng chú ý khác là, mặc dù cha mẹ có ảnh hưởng lớn trong việc ra quyết định của học sinh, nhưng những khuyến nghị của phụ huynh về nghề nghiệp tương lai không phải là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy lựa chọn ở sinh viên.
“Có thể tình trạng thiếu nguồn cung chất lượng trong nước đã thúc đẩy sinh viên Ấn Độ du học ở nước ngoài. Sẽ khó khăn hơn nhiều để thu hút hoặc tuyển dụng kiểu sinh viên này. Bởi, họ độc lập hơn nhiều, thay vì chỉ đơn giản là nghĩ tới cách có thể kiếm được bao nhiêu tiền”, bà Anna Esaki-Smith - Giám đốc điều hành của Tổ chức Education Rethink, nhận định.
Khi lựa chọn đi du học, 68% sinh viên khẳng định, chất lượng của các cơ sở giáo dục ở nước ngoài là yếu tố quan trọng nhất. Tiếp theo là sự linh hoạt của chương trình giảng dạy tại các trường quốc tế. Cuối cùng là mối tương quan tích cực giữa việc đạt được chứng chỉ ở nước ngoài và thành công trong nghề nghiệp.
Tuy nhiên, những thay đổi ở Ấn Độ đang ảnh hưởng đến các tân sinh viên. Một trong những thay đổi này bao gồm sự xuất hiện của các cơ sở giáo dục chất lượng cao.
“Khi sinh viên tìm kiếm những gì có sẵn ở Ấn Độ, họ thấy các lựa chọn giáo dục được mở rộng đáng kể với nhiều cơ sở giáo dục mới, mang tới các ngành học mới”, Bhandari cho biết.
Theo bà Bhandari, chính sách giáo dục quốc gia được công bố gần đây đã nêu rõ sự linh hoạt trong chương trình giảng dạy và chú trọng hơn vào giáo dục kỹ năng. Chính sách này được cho là sẽ thúc đẩy những thay đổi trong lựa chọn của học sinh.
Bhandari chia sẻ, đại dịch đã mang lại lợi ích đối với các tổ chức giáo dục tư nhân tại Ấn Độ. Sinh viên sẽ nộp đơn vào các cơ sở đào tạo này như một phương án dự phòng khi chưa thể du học.
“Khi Covid-19 bùng phát và thực tế là người học không thể ra nước ngoài hoặc không muốn vì lo ngại sức khỏe, họ có thể xem xét đến các trường trong nước nghiêm túc hơn”, bà Bhandari nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này tin rằng, các cơ sở giáo dục mới tại Ấn Độ sẽ không thể đáp ứng nhu cầu giáo dục, bởi số lượng lớn sinh viên theo học.