Sinh viên khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ: Sẵn nhu cầu, thừa cơ hội việc làm

GD&TĐ - Thị trường lao động ngày nay đang trở nên cạnh tranh khốc liệt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.

Ảnh minh hoạ/ INT
Ảnh minh hoạ/ INT

Tuy vậy, sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực này tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Cơ hội việc làm rộng mở

Sự phát triển của các ngành công nghiệp và công nghệ đã làm tăng cường nhu cầu về nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, đặt ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho những người thực sự đam mê, yêu thích lĩnh vực này.

Dự kiến trong thời gian tới, lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu nhân lực, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn trên toàn quốc, việc lựa chọn ngành công nghệ- kỹ thuật mang lại lợi ích nghề nghiệp và cơ hội phát triển rất lớn.

Ông Trần Minh Đức, Trưởng phòng thu hút nhân tài của Công ty nhựa Duy Tân, nêu rõ các đãi ngộ và chế độ lương thưởng dành cho sinh viên mới tốt nghiệp: “Đối với những tân cử nhân ngành Kỹ sư, khi làm việc tại Công ty nhựa Duy Tân, mức lương tối thiểu phải là 10 triệu đồng trở lên, đồng thời bao gồm đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Bên cạnh đó, họ còn được hưởng lợi ích như lương tháng 13, thưởng KPI, và có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cũng như các hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp”- Ông Đức nhấn mạnh

Dữ liệu dự báo từ năm 2015 đến 2020 và triển vọng đến năm 2025 cho thấy TPHCM sẽ cần khoảng 270 nghìn vị trí làm việc mới mỗi năm, mở ra những triển vọng lớn cho người lao động trong lĩnh vực kỹ thuật.

Chiến lược phát triển thị trường lao động đặt trọng tâm vào bốn ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm Điện tử, Cơ khí, Công nghệ thông tin và Chế biến lương thực thực phẩm.

Điều này hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho những người quan tâm và lựa chọn kỹ thuật làm sự nghiệp của mình. Đồng thời, sự đa dạng trong các lĩnh vực này cũng mở ra nhiều cánh cửa cho sự sáng tạo và đóng góp của những người làm việc trong ngành.

Ông Hoàng Giang - Đại diện tuyển dụng của Công ty Cổ phần Công nghệ Vietlabs, đánh giá những yếu tố quan trọng đối với sinh viên mới ra trường: Tất nhiên các bạn sinh viên mới ra trường thì chưa có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên cần phải có những tố chất phù hợp. Ví dụ như với vị trí lập trình, các bạn cần có tố chất và khả năng về lập trình, đam mê, yêu thích về lập trình đồng thời có khả năng nghiên cứu về các sản phẩm công nghệ thông tin nói chung.

Về kỹ năng mềm, sinh viên mới ra trường cần có những kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, thuyết trình. Với những kỹ năng này, nếu hiện tại chưa đáp ứng được nhưng có tinh thần và thái độ học hỏi và trong công ty đều có những khoá học, những buổi training, cùng với các buổi chia sẻ của lãnh đạo, các mentor để các bạn có thể có những kinh nghiệm, kỹ năng và lộ trình phát triển” - ông Hoàng Giang chia sẻ.

Sinh viên khối ngành kỹ thuật một Trường đại học trong giờ thực hành.

Sinh viên khối ngành kỹ thuật một Trường đại học trong giờ thực hành.

Cần chủ động nắm bắt cơ hội

Hằng năm, số lượng học sinh thi vào các trường đào tạo kỹ thuật tương đối lớn nhưng đây chỉ là lực lượng lao động trong tương lai. Hiện nay số lượng sinh viên ra trường hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu nhân sự của ngành kỹ thuật. Chính vì vậy, cơ hội việc làm của các bạn sinh viên ra trường tương đối nhiều, tuy nhiên để được làm việc ở những vị trí tốt thì cũng phải nỗ lực rất nhiều.

Trần Chí Hiếu - sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật Phần Mềm trường Đại học FPT lo lắng áp lực về cơ hội việc làm trong tương lai của khối ngành kỹ thuật- công nghệ.

Anh chia sẻ: “Ngày nay ngành Công nghệ thông tin đang được tập trung đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Kéo theo số lượng các bạn sinh viên theo đuổi ngành này mỗi năm càng tăng lên. Vì thế, sẽ phải đối mặt với sức ép bị đào thải rất cao, và tôi cũng là một trong số đó.

Bản thân mình cũng có những lo lắng nhất định về cơ hội việc làm trong tương lai, không biết là trong vô vàn những lựa chọn của nhà tuyển dụng thì mình có phải là một trong số đó hay không”.

Được đánh giá là trụ cột của sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ đang khẩn cấp tìm kiếm những ứng viên xuất sắc, có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng đa dạng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Đứng trước nhu cầu tuyển dụng và những mong muốn, yêu cầu của nhà tuyển dụng, Hồ Ý Nhiên- sinh viên năm cuối trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM không kém phần hào hứng khi đứng trước những cơ hội việc làm trước mắt.

“Em được biết, thị trường lao động trong và ngoài nước có những thay đổi nhanh chóng, và nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học có xu hướng biến động mạnh. Hiện nay sinh viên các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ chiếm số lượng rất lớn và là nguồn nhân lực có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường lao động nhanh chóng.

Vì thế em cũng mong muốn được tham gia vào thị trường lao động với hy vọng mức lương sắp tới khi đã ra trường sẽ là khoảng 14 triệu đồng/ tháng và quan trọng hơn hết là tìm được một môi trường làm việc mà mình có thể yên tâm học hỏi, phát triển lâu dài” - Ý Nhiên chia sẻ

Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ. Theo dự tính, trong nhiều năm tới, nguồn nhân lực trong ngành này sẽ tiếp tục tăng, mở ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên theo đuổi ngành công nghệ, kỹ thuật tại các trường đại học và cao đẳng. Mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo kỹ thuật ngày càng gia tăng, tuy nhiên cơ hội làm việc ở những doanh nghiệp hàng đầu vẫn chỉ thuộc về một số ít người có tố chất và kỹ năng xuất sắc.

Trong bối cảnh ngành Kỹ thuật - Công nghệ ngày càng đa dạng, mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp, thì việc làm thế nào để nổi bật trong thị trường lao động đang chuyển đổi nhanh chóng, mỗi cá nhân cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tập trung vào phấn đấu và phát triển bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ