Sinh viên khoa Luật được rèn luyện kỹ năng qua phiên tòa giả định

GD&TĐ - Ngày 17/9, Khoa Luật - Học viện Ngân hàng (Hà Nội) đã tổ chức thành công phiên tòa giả định nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho sinh viên.

Khung cảnh của phiên tòa giả định khá giống với phiên tòa thực tế cho sinh viên cọ xát, rèn kỹ năng.
Khung cảnh của phiên tòa giả định khá giống với phiên tòa thực tế cho sinh viên cọ xát, rèn kỹ năng.

Tham dự chương trình có Luật sư Lê Văn Thuần, Văn phòng Luật sư Tuấn Lan - Đoàn Luật sư TP Hà Nội; cô Nguyễn Thị Mai, giảng viên bộ môn Luật Tố tụng hình sự - Khoa Pháp luật hình sự của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Về phía Khoa Luật, Học viện Ngân hàng có TS Nguyễn Thái Hà - Trưởng Khoa; TS Đỗ Mạnh Phương - Phó Trưởng Khoa cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên trong khoa và khách mời. Nội dung của phiên tòa giả định là một vụ án hình sự liên quan đến các tội xâm phạm quyền tự do của con người, xâm phạm quyền sở hữu.

Phiên tòa giả định thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa Luật.

Phiên tòa giả định thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa Luật.

TS Đỗ Mạnh Phương – Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho biết, đây là lần đầu tiên sinh viên Khoa Luật được tham dự một phiên tòa giả định với quy mô, tiến trình khá hoàn chỉnh như một phiên tòa thực tế. Điều này nhằm mục đích tạo cơ hội, điều kiện cho các em trải nghiệm một phiên toà sát với thực tế và nâng cao nhận thức pháp luật của sinh viên.

Phiên tòa giả định đóng vai trò như một hoạt động ngoại khóa, là hình thức mang tính trực quan, sinh động giúp cho sinh viên tiếp thu pháp luật một cách gần gũi nhất. Trong đó, các em vừa được tham gia nghiên cứu thực tế ngành học, vừa rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… Từ đó tác động mạnh mẽ tới nhận thức và ý thức tôn trọng pháp luật của sinh viên.

TS Đỗ Mạnh Phương – Phó Trưởng Khoa Luật khẳng định vai trò của việc cọ xát thực tế giúp sinh viên có thể vững vàng trong nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
TS Đỗ Mạnh Phương – Phó Trưởng Khoa Luật khẳng định vai trò của việc cọ xát thực tế giúp sinh viên có thể vững vàng trong nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Cũng theo thầy Đỗ Mạnh Phương, phiên tòa đã tạo nên bước khởi động thuận lợi cho các phiên tòa giả định tiếp theo cũng như các hoạt động thực hành nghề nghiệp khác của sinh viên sẽ được Khoa Luật tổ chức trong thời gian tới. Đây là nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để Khoa Luật - Học viện Ngân hàng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Theo dõi từ đầu đến cuối, cô Nguyễn Thị Mai - giảng viên bộ môn Luật Tố tụng hình sự, Khoa Pháp luật hình sự của Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng phiên tòa giả định đã diễn ra thành công ngoài mong đợi. Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của các thầy cô trong Khoa Luật, các em sinh viên đã cụ thể hóa được các kiến thức pháp luật đã học vào thực tế của một phiên xét xử. Các câu thoại hay thuật ngữ chuyên ngành cũng được các em sử dụng khá linh hoạt.

Tất cả các vị trí như bàn Chủ tọa - Hội thẩm nhân dân, đại diện Viện kiểm sát, Thư ký phiên tòa... được sắp xếp giống với một phiên tòa thực tế.
Tất cả các vị trí như bàn Chủ tọa - Hội thẩm nhân dân, đại diện Viện kiểm sát, Thư ký phiên tòa... được sắp xếp giống với một phiên tòa thực tế.

"Phiên tòa đã diễn ra trong bầu không khí nghiêm túc, trang trọng, mang tính thực tiễn cao, đem đến cho sinh viên những kinh nghiệm quý giá về thực tiễn áp dụng pháp luật. Đặc biệt, các nhân vật như Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hay luật sư bào chữa đã thể hiện thần thái, khẩu khí mang 'chất' của dân luật - điều khá quan trọng trong công việc sau này. Tôi đánh giá rất cao sự cố gắng của các em và mong rằng, đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho các em" - Luật sư Lê Văn Thuần nhận định.

TS Nguyễn Thái Hà - Trưởng Khoa Luật, Học viện Ngân hàng nhấn mạnh, ban lãnh đạo Khoa sẽ cố gắng tổ chức nhiều sân chơi hơn nữa cho các em sinh viên để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Có thể kết quả của phiên xử giả định hôm nay có thể sẽ khác so với thực tế, nhưng các em đã hình dung ra được các bước của quy trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp của Nhà nước. Trong thời gian tới, Khoa sẽ đề xuất với lãnh đạo Học viện về đầu tư và đưa vào sử dụng một phòng xử án có bối cảnh phù hợp hơn nữa với thực tế để cho các em cọ xát nghề nghiệp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ