Cơ hội việc làm luôn rộng mở với sinh viên 'rành luật, giỏi kinh tế'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo TS Đỗ Mạnh Phương - Phó Trưởng Khoa Luật Học viện Ngân hàng, cơ hội việc làm với sinh viên khoa Luật là không nhỏ nếu các em biết tận dụng cơ hội và được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Cơ hội việc làm của sinh viên Khoa Luật, Học viện Ngân hàng là luôn rộng mở.
Cơ hội việc làm của sinh viên Khoa Luật, Học viện Ngân hàng là luôn rộng mở.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 5 năm mở ngành đào tạo Luật kinh tế và 22 năm phát triển bộ môn Luật - Khoa Luật của Học viện Ngân hàng, Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Mạnh Phương - Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện Ngân hàng để tìm hiểu về những đặc thù của ngành Luật cũng như cơ hội việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Những đặc thù của ngành Luật

- Thưa ông, hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành Luật kinh tế. Vậy so với các cơ sở đào tạo Luật khác trên cả nước, đâu là điểm mạnh của ngành Luật kinh tế tại Học viện Ngân hàng?

TS Đỗ Mạnh Phương: Với câu hỏi này, xin đặt vấn đề liên quan đến đặc thù, những sự khác biệt trong đào tạo ngành Luật Kinh tế tại Học viện Ngân hàng. Vì là đào tạo Luật Kinh tế tại một cơ sở đào tạo có truyền thống thuộc khối ngành kinh tế nên khi xây dựng chương trình ngoài các học phần về Luật, chúng tôi có đưa vào các học phần thuộc lĩnh vực khác, đặc biệt là các lĩnh vực về kinh tế thuộc các ngành đào tạo có lịch sử tại Học viện Ngân hàng bao gồm các học phần như: Tiền tệ Ngân hàng, Nguyên lý kế toán, Marketing…

Với chương trình đào tạo như vậy, chúng tôi hi vọng sinh viên Khoa Luật - Học viện Ngân hàng sau khi ra trường ngoài việc hiểu biết, nắm bắt được những kiến thức về pháp luật thì cũng sẽ có được những hiểu biết, kiến thức về kinh tế. Từ đó giúp các em thuận tiện hơn khi làm các công việc liên quan đến pháp chế doanh nghiệp, các công việc tại các tổ chức tín dụng khác nhau.

TS Đỗ Mạnh Phương - Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện Ngân hàng.

TS Đỗ Mạnh Phương - Phó Trưởng Khoa Luật, Học viện Ngân hàng.

- Được biết trong quá trình giảng dạy từ năm 2017 đến nay thì chương trình đào tạo Luật Kinh tế của Học viện Ngân hàng cũng đã được rà soát, cải tiến. Vậy đâu là những yếu tố quyết định đến những thay đổi này?

TS Đỗ Mạnh Phương: Xã hội luôn luôn phát triển, chính vì vậy, việc rà soát chương trình đào tạo không chỉ đặt ra với Khoa Luật Học viện Ngân hàng mà còn đối với tất cả các cơ sở đào tạo. Điều này nhằm đảm bảo sự phù hợp của chương trình đào tạo với sự phát triển của xã hội, xu thế của thời đại. Chương trình đào tạo Luật Kinh tế tại Học viện Ngân hàng không nằm ngoài xu thế đó.

Cơ sở để chúng tôi có thể tiến hành rà soát, thay đổi chương trình đào tạo là những yêu cầu, góp ý của Hội đồng khoa học nhà trường. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, áp dụng chương trình đào tạo trên thực tế, các thầy cô cũng như các nhà quản lý sẽ nhận thấy những vấn đề phát sinh, những hạn chế, những bất cập cần thay đổi.

Khi thực hiện rà soát và cải tiến chương trình đào tạo, Ban lãnh đạo khoa cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà tuyển dụng và người sử dụng lao động. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành lấy ý kiến của cựu sinh viên để họ đánh giá về những ưu điểm và hạn chế trong chương trình đào tạo.

- Ngành Luật Kinh tế là một trong những ngành học được khá nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ông có thể nêu tóm tắt những yêu cầu khi học ngành Luật Kinh tế tại Học viện Ngân hàng?

TS Đỗ Mạnh Phương: Theo tôi, cần phải nói đến những yêu cầu chung đối với các bạn sinh viên của Học viện Ngân hàng cũng như yêu cầu đối với sinh viên của các cơ sở đào tạo mới trong thời đại hiện nay. Đầu tiên, cần phải có ý thức học tập tốt, có tinh thần cầu thị. Với sinh viên chuyên ngành Luật, thông thường chúng ta vẫn nghĩ là học Luật xem luật quy định như thế nào? Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu như vậy thì không hoàn toàn đúng.

Chúng ta có tìm hiểu xem luật quy định như thế nào nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ, hay nói cách khác là cấp độ thấp nhất. Chúng ta phải tìm hiểu xem tại sao Luật lại quy định như thế? Luật quy định như thế thì đã hợp lý hay chưa? Có hạn chế, bất cập gì không? Thậm chí, cao hơn, người học luật có thể đề xuất những giải pháp để hoàn thiện những hạn chế, bất cập của pháp luật.

Từ kinh nghiệm bản thân cho thấy, cách học Luật rất đơn giản và hiệu quả là luôn đặt ra câu hỏi “Tại sao Luật lại quy định như thế?”. Cần phải luôn tự đặt ra câu hỏi và tìm câu trả lời, nếu không thể giải đáp thì cần trao đổi với thầy cô để có được những gợi mở giúp chúng ta tìm ra đáp án. Đây là một cách học luật rất hiệu quả.

Cơ hội việc làm luôn rộng mở

Ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường, sinh viên Khoa Luật đã được cọ xát nhiều kĩ năng, kiến thức liên quan đến luật.

Ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường, sinh viên Khoa Luật đã được cọ xát nhiều kĩ năng, kiến thức liên quan đến luật.

- Một trong những ưu tiên hàng đầu khi nộp hồ sơ là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này với sinh viên Khoa Luật Học viện Ngân hàng?

TS Đỗ Mạnh Phương: Cơ hội việc làm đối với sinh viên Luật nói chung và sinh viên chuyên ngành Luật Kinh tế tại Học viện Ngân hàng nói riêng rất rộng mở. Sau khi ra trường, các em có thể làm việc tại nhiều cơ quan, đơn vị như các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, văn phòng Luật, luật sư, các đơn vị thừa phát lại… Với các vị trí đó, sinh viên Luật đều có thể đảm nhiệm được.

Nhiều em có thể sẽ nhầm lẫn giữa việc sinh viên Khoa Luật Học viện Ngân hàng sẽ không làm việc được ở Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án hay Công an, Quân đội. Tuy nhiên, cơ hội việc làm là rộng mở cho tất cả các sinh viên tại các cơ sở đào tạo Luật. Ngoài ra, sinh viên Khoa Luật của Học viện Ngân hàng còn có lợi thế hơn bởi ngoài các kiến thức về Luật, sinh viên còn được trang bị những kiến thức về kinh tế, tài chính, ngân hàng... Chính vì vậy, khi các em làm việc ở những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng thì sẽ thuận tiện và bắt nhịp nhanh chóng hơn với công việc được giao.

- Hiện nay, Khoa Luật Học viện Ngân hàng đã có 2 khóa sinh viên tốt nghiệp và ra trường. Ông có đánh giá như thế nào về xu hướng việc làm của các cựu sinh viên của Khoa?

TS Đỗ Mạnh Phương: Đến thời điểm hiện tại, Khoa Luật Học viện Ngân hàng đã có 2 khóa sinh viên ra trường. Tuy nhiên, khóa mới nhất hiện các em mới nhận bằng tốt nghiệp chưa đầy 1 tháng. Về cơ bản, xu hướng việc làm của sinh viên đúng như những dự trù, tính toán và kỳ vọng của Khoa khi mở ngành đào tạo Luật kinh tế.

Không chỉ là học tập chuyên môn mà các hoạt động tập thể, đoàn hội cũng là thế mạnh của sinh viên Khoa Luật, Học viện Ngân hàng.

Không chỉ là học tập chuyên môn mà các hoạt động tập thể, đoàn hội cũng là thế mạnh của sinh viên Khoa Luật, Học viện Ngân hàng.

Các sinh viên của Khoa Luật, Học viện Ngân hàng sau khi ra trường công tác ở nhiều cơ quan nhà nước như Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành án và các cơ quan nhà nước khác… Bên cạnh đó cũng có một bộ phận không nhỏ làm việc tại các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng hay nhân viên tín dụng tại các ngân hàng thương mại.

Theo phản hồi của cựu sinh viên trong khảo sát do Khoa thực hiện, chúng tôi thấy rằng các cựu sinh viên làm việc tại doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng có được những lợi thế nhất định khi các em được trang bị những kiến thức về mặt kinh tế, tài chính, ngân hàng trong chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế.

Khi các bạn làm pháp chế tại các doanh nghiệp hoặc nhân viên tín dụng tại các ngân hàng thương mại, cựu sinh viên của Khoa Luật – Học viện ngân hàng dễ dàng tiếp cận với công việc hơn. Với khóa sinh viên mới ra trường gần đây (K21), trong quá trình học, nhiều em đã có công việc làm thêm không chỉ dừng lại ở việc đi làm gia sư, đi làm bán thời gian tại các quán cafe mà còn liên quan đến chuyên ngành học của mình.

Cá biệt, có những em đã ký được hợp đồng chính thức khi đang là sinh viên năm 4 với mức lương khởi điểm rất đáng kỳ vọng đối với sinh viên khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhiều thí sinh đến gian hàng của Học viện Ngân hàng để nghe tư vấn tuyển sinh năm 2022.

Nhiều thí sinh đến gian hàng của Học viện Ngân hàng để nghe tư vấn tuyển sinh năm 2022.

- Sau 5 năm mở ngành đào tạo Luật Kinh tế, vậy định hướng phát triển của chương trình đào tạo Khoa Luật Học viện Ngân hàng trong tương lai là như thế nào thưa ông?

TS Đỗ Mạnh Phương: Nói về định hướng phát triển chương trình đào tạo của Khoa Luật Học viện Ngân hàng trong tương lai thì có các điểm cần quan tâm sau:

Thứ nhất, nhà trường mong muốn, kỳ vọng và đặt mục tiêu xây dựng một chương trình đào tạo có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Vì vậy, Khoa sẽ nghiên cứu để bổ sung các học phần mang tính kỹ năng, thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của xã hội ở thời điểm hiện tại.

Thứ hai, trong chương trình đào tạo thì chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc mời các chuyên gia, các báo cáo viên về để trao đổi, để cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tế bên cạnh những kiến thức lý thuyết mà các thầy cô đã giảng dạy. Nhà trường cũng hướng đến việc đưa sinh viên tiếp cận đến các văn phòng luật, ngân hàng, bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp để các em có thể tiếp cận sâu hơn nữa vào những công việc thực tế có thể đảm nhiệm trong tương lai.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hiện nay Học viện Ngân hàng đã kiểm định được 4 chương trình đào tạo. Trong tương lai, ngành Luật Kinh tế cũng là một trong những ngành đào tạo sẽ tiến hành kiểm định chương trình. Để có thể kiểm định được chương trình thì việc rà soát và cải tiến để chương trình hoàn thiện hơn, phù hợp và khoa học hơn là sự bắt buộc. Khoa Luật cũng đã có những kế hoạch và đang triển khai thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.