Sinh viên kết nối người nội trợ với ứng dụng 'Cơm nhà'

GD&TĐ - Sinh viên tại TPHCM làm ứng dụng kết nối các bà nội trợ nấu món ăn truyền thống cung cấp những bữa ăn mang thương hiệu 'cơm nhà' tới người dùng.

Nhóm tác giả với sản phẩm 'Cơm nhà nha' hy vọng sẽ sớm đưa lên kho ứng dụng để người dùng trải nghiệm.
Nhóm tác giả với sản phẩm 'Cơm nhà nha' hy vọng sẽ sớm đưa lên kho ứng dụng để người dùng trải nghiệm.

Kết nối người nội trợ qua ứng dụng

Dự án “Cơm nhà nha” của nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) và Đại học Fulbright Việt Nam. Ứng dụng (app) kết nối những người có nhu cầu đặt cơm “nhà làm” với những người có khả năng nấu nướng. Dự án giành giải Nhất bảng sinh viên, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (CiC) do Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức mới đây.

Lê Trần Hải Yến, sinh viên Đại học Fulbright, thành viên dự án, cho biết, nhóm hướng tới tạo việc làm, thu nhập cho những người giỏi nấu ăn, đặc biệt là những món ăn mang hương vị quê hương ở cả ba miền.

Tìm hiểu từ cộng đồng sinh viên, Yến chia sẻ thực tế có rất nhiều bạn ở thành phố từ các miền quê lên học tập, lập nghiệp và nhiều khi họ rất thèm những món ăn truyền thống, có trong bữa cơm gia đình. “Đây là nhu cầu có thật nên nhóm xây dựng ứng dụng kết nối những bà nội trợ với thực khách bằng app”, Yến nói.

Những người nội trợ khi tham gia vào cộng đồng sẽ được nhóm đánh giá nhiều tiêu chí trong đó có tay nghề nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, tính hợp lý mức giá do họ đề xuất cho mỗi suất ăn... Khi tham gia vào ứng dụng, họ sẽ được kết nối với thực khách. Khi hai bên chốt đơn sẽ có đội ngũ shipper là sinh viên vận chuyển đơn hàng.

Ngoài ra, khi khách hàng chọn người nấu ăn trên ứng dụng sẽ hiển thị thông tin về tiểu sử và không gian bếp của người nấu ăn. “Mô hình cũng tương tự như các ứng dụng giao đồ ăn hiện tại. Tuy nhiên, thay vì đơn vị cung cấp là các nhà hàng, quán ăn nhóm hướng tới người cung cấp trực tiếp là các bà nội trợ”, Yến nói.

Theo đánh giá của ban tổ chức, đây là một mô hình kinh doanh hay, có thể phát triển được trong thị trường ngách dành cho những người có nhu cầu thưởng thức bữa ăn sạch, mang tính truyền thống. Ngoài phục vụ sinh viên, dự án này có tiềm năng mở rộng cho nhân viên văn phòng, giáo viên...

Thực đơn phong phú, tự đặt hàng món thích ăn

Nhóm tác giả cho biết, hiện dự án đang ở giai đoạn thử nghiệm ở hai trường đại học tại TPHCM với số lượng khách hàng là hàng trăm sinh viên. Nhóm đang hoàn thiện app để đưa lên các kho ứng dụng di động trong thời gian tới. Phản hồi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ là rất khả quan.

Giá thành của thực đơn khá hợp lý, chủ yếu từ 35.000 - 45.000 đồng/suất. Tất cả các nguyên liệu đều được chuẩn bị để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi suất cơm văn phòng ở đây cũng có đủ các phần cơm, canh và món mặn. Mô hình thu hút khách hàng đến bởi thực đơn đa dạng, thay đổi mỗi tuần. Với nhiều món để khách hàng có thể thay đổi, lựa chọn đồ ăn phù hợp với khẩu vị.

Trong suốt quá trình chạy thử nghiệm dự án là 6 tháng, đa số các khách hàng đều hài lòng về chất lượng và giá cả của món ăn. Những người nội trợ tham gia cũng hào hứng cho biết, họ có thêm một khoản thu nhập nhỏ mà lại không tốn quá nhiều công sức.

“Với người nội trợ tham gia hệ thống, để tiết kiệm chi phí, họ có thể lên thực đơn từ ngày hôm trước, cũng là thực đơn cho gia đình. Khi chuẩn bị nguyên liệu chế biến và có các đơn đặt hàng, họ sẽ nấu nhiều hơn theo số lượng khách hàng. Khi chế biến như vậy, người nội trợ sẽ tiết kiệm được chi phí tạo ra suất ăn, đồng thời cũng đảm bảo sự phong phú, tươi ngon khi khách đặt. Mô hình này giống kiểu nhà ăn thế nào thì bán thế đó, nên khá yên tâm về chất lượng”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Để dự án có thể triển khai rộng rãi, nhóm cần xây dựng công cụ kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một bài toán khó nữa là khi nấu nhỏ lẻ, chi phí nguyên liệu sẽ khá cao, làm thế nào để cân bằng yếu tố lợi nhuận cũng cần được tính đến.

“Tuy vậy, đây là dự án có nhiều tiềm năng ứng dụng, có hướng đi đột phá trong mảng cung cấp dịch vụ ăn uống hiện nay trên thị trường”, ông Lê Yên Thanh, thành viên ban tổ chức cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.