Thùng rác đa năng
Chia sẻ về mô hình thùng rác thông minh, sinh viên Phan Tuấn Nhật – lớp 18D1 Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) - cho biết, trong thời điểm Đà Nẵng đang áp dụng việc cho các bệnh nhân mắc Covid-19 cách ly y tế tại nhà, Nhật cùng với các sinh viên Trần Viết Minh Phát (lớp 18CDT) và Nguyễn Văn Trúc (lớp 21CDT2), Khoa Cơ khí đã nhanh chóng nảy sinh ra ý tưởng việc thu gom rác thải y tế nguy hại, nhằm hạn chế những lây lan và phát tán virus ra ngoài.
“Số lượng F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn dẫn đến việc khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển, thời gian thu gom kéo dài. Cùng với đó là việc vận chuyển rác thải cho người bị nhiễm F0 có nguy cơ làm lây nhiễm chéo. Chính vì thế, chúng em bắt tay vào nghiên cứu với mục đích hạn chế được những yêu cầu đặt ra”, Nhật chia sẻ.
Nghĩ là làm, với sự hỗ trợ của các giảng viên, nhóm sinh viên bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu và sáng chế. Sau gần 2 tháng thi công, những thùng rác thông minh đầu tiên đã được “ra lò”.
Tuy nhiên, để tạo ra dòng sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, nhóm sinh viên phải tìm tòi và chọn vật dụng phù hợp với thực tế. Theo đó, nhóm sử dụng nhựa composite chịu nhiệt, không bị ăn mòn và an toàn với người dùng.
Ý tưởng và thiết kế đã xong, nhóm bắt đầu vào công đoạn gia công. Sau khi thực hiện phần cứng, nhóm tiến hành gia công hệ thống mạch điện tử và bắt đầu tích hợp phần cứng lên thùng rác, bảo đảm các yếu tố an toàn cũng như độ bền, tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Bên cạnh đó, giao diện ứng dụng được thiết kế dưới dạng bảng điều khiển giúp người dùng có cái nhìn tổng quát về tình trạng rác thải, lịch sử đổ rác cũng như thống kê cân nặng, tên nhân viên, giá tiền và thời gian thu gom rác.
Chỉ tay vào sản phẩm của mình, Tuấn Nhật cho biết, hệ thống thu gom rác thải có 2 phần chính gồm: Thùng rác thông minh và phần mềm ứng dụng quản lý rác thải.
“Với hệ thống này, người dùng có thể quản lý tình trạng các thùng rác. Cụ thể, thông tin sẽ được cập nhật liên tục thông qua giao diện ứng dụng website và hướng dẫn nhân viên đến điểm thu gom rác.
Điều đặc biệt của chiếc thùng rác thông minh này chính là mỗi thùng rác đều có chức năng định vị GPS, sử dụng công nghệ RFID. Đây là công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến xác thực người dùng chỉ cho phép nhân viên hoặc bệnh nhân F0 mở nắp thùng giúp bảo vệ người xung quanh khỏi các nguy cơ lây nhiễm.
Khi có rác, hệ thống khử khuẩn bằng tia UVC sẽ tự động kích hoạt nhằm hạn chế sự gia tăng của virus có hại”, Tuấn Nhật chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, ngoài chức năng định vị, đo lường khối lượng rác, khử khuẩn, nhận diện người dùng, đóng mở nắp tự động, thùng rác thông minh còn kết nối Internet truyền dữ liệu đến hệ thống máy chủ, từ đó đưa ra các cảnh báo trong công tác thu gom và quản lý chất thải.
Sinh viên Trần Viết Minh Phát cho biết, thùng rác có khả năng chứa được 15kg rác thải nguy hại. Giá thành mỗi sản phẩm chỉ dao động khoảng 2 triệu đồng, phù hợp túi tiền của người dân cũng như các doanh nghiệp, bệnh viện…
Muốn đưa sản phẩm ra thị trường
Sinh viên Nguyễn Văn Trúc (lớp 21CDT2), Khoa Cơ khí - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết, hiện nhóm lập mục tiêu phát triển thùng rác thông minh thành sản phẩm phục vụ nhu cầu thu gom rác tại nhà máy, xí nghiệp, hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn, resort cũng như khu vực công cộng.
“Chính vì thế, nhóm hướng việc hoàn thiện và ra mắt sản phẩm. Xa hơn, nhóm hợp tác và chuyển giao công nghệ hoặc cho thuê dịch vụ quản lý vận hành hệ thống. Thời gian tới nhóm sẽ tìm kiếm nhà đầu tư thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, khoa học - công nghệ”, sinh viên Trúc thông tin.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ - Trưởng khoa Điện - Điện tử - cho biết, hệ thống triển khai trên nền tảng công nghệ IoT có thể phát triển lên mức cao hơn như tăng kích thước thùng rác để phù hợp các mục đích sử dụng khác nhau, tích hợp thêm nguồn năng lượng mặt trời khi sử dụng ngoài trời và thêm giải pháp công nghệ mạng không dây.
Ngoài ra, dựa trên nguồn dữ liệu thu thập được, có thể nâng cấp và triển khai các thùng rác chứa chất thải thông thường và phân loại rác thải tại nguồn. Điểm đáng chú ý của hệ thống quản lý rác thải thông minh là tính ứng dụng cao, hướng đến nhóm khách hàng như bệnh viện, công ty, nhà máy khu công nghiệp có nguồn rác thải độc hại.
“Hiện, nhóm nghiên cứu phát triển thêm nguồn dự phòng năng lượng mặt trời và giải pháp mạng Lora. Đây là giải pháp mạng diện rộng công suất thấp, có khả năng truyền tải dữ liệu trong bán kính khoảng 5km ở khu vực đô thị và 10 - 15km ở khu vực nông thôn, phù hợp mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị thông minh”, TS Trần Hoàng Vũ nói.
Tiến sĩ Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) - cho biết, tính riêng trong năm học 2021 - 2022, dù học kỳ I các em phải theo học trực tuyến do tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng đã có hơn 500 sinh viên tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Và có 59 đề tài tốt nhất của 198 sinh viên được báo cáo tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học.
“Nhà trường hỗ trợ cho sinh viên rất nhiều trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt những đề tài có tính ứng dụng thực tế, gắn liền với Khởi nghiệp, Sáng tạo và Đổi mới.
Nhà trường luôn tìm cách tăng phần kinh phí dành cho đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, kèm theo những chính sách khuyến khích, đãi ngộ, khen thưởng đối với những giáo viên hướng dẫn và các nhóm sinh viên có đề tài chất lượng hoặc đoạt giải trong các kỳ thi”, TS Hoàng Dũng chia sẻ.
Cũng theo TS Hoàng Dũng, bên cạnh đó, trường luôn làm cầu nối để đưa thành quả nghiên cứu của các em đến với cộng đồng doanh nghiệp, luôn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên mang đề tài đến với các cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo ở các cấp, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, khởi nghiệp cho những đề tài có chất lượng, có thể áp dụng trong thực tế, phục vụ cộng đồng, phục vụ sản xuất.