Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện sáng kiến về bình đẳng giới

GD&TĐ - Nhiều sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện sáng kiến giới nhằm thay đổi định kiến giới, xoá bỏ nạn tảo hôn và thúc đẩy bình đẳng giới.

Ảnh minh họa/TG.
Ảnh minh họa/TG.

“Dũng cảm trên con đường ngược chiều – Để em vẽ trọn vẹn một ước mơ” là đề tài sáng kiến của nhóm nữ sinh thuộc Khoa giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Phạm Thị Thiết – sinh viên năm 3, thành viên của nhóm cho hay, nhóm đã tiến hành khảo sát 800 học sinh THCS và THPT là người dân tộc thiểu số đang học tập tại các trường dân tộc nội trú của tỉnh Lào Cai.

“Chúng em đã nhận được hơn 80% câu trả lời của học sinh rằng, nhiều bạn bè cùng trang và anh/em họ hàng lấy vợ, chồng từ năm 14-15 tuổi. Điều này cho thấy, nạn tảo hôn vẫn hiện hữu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trở vấn đề nhức nhối trong xã hội” – sinh viên Phạm Thị Thiết trăn trở.

Phạm Thị Thiết và các bạn trong nhóm thực hiện phỏng vấn học sinh tại Lào Cai.

Phạm Thị Thiết và các bạn trong nhóm thực hiện phỏng vấn học sinh tại Lào Cai.

Thông qua người thật, việc thật, nhóm nữ sinh đã xây dựng clip truyền thông về hình mẫu tiêu biểu. Nhân vật chính là Chảo Thị Yến, sinh năm 1990. Yến sinh ra và lớn lên ở xã Nậm Chạc, một trong những xã nghèo nhất của huyện Bát Xát (Lào Cai).

Học hết lớp 9, Yến buộc nghỉ học để ở nhà lấy chồng. Thế nhưng Yến đã “dám ngược chiều đường đi” nhằm thay đổi định kiến, cuộc đời bằng cách quyết tâm học hành để có cơ hội thay đổi tất cả.

“Trên cơ sở phim ngắn về hình mẫu trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, chúng em mong muốn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xoá bỏ nạn tảo hôn, giúp các em nhận diện tầm quan trọng của việc học tập, vươn lên thay đổi số phận, xoá bỏ hủ tục lạc hậu tại cộng đồng” – sinh viên Phạm Thị Thiết bày tỏ và cho biết, tham gia thực hiện dự án nêu trên, nữ sinh Học viện Phụ nữ Việt Nam đã học được cách làm việc nhóm, biết cách triển khai dự án về cộng đồng, xã hội.

Phạm Thị Thiết (thứ hai từ trái qua phải, hàng trong) cùng các bạn sinh viên họp thảo luận, lắng nghe ý kiến tư vấn, hướng dẫn của giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Phạm Thị Thiết (thứ hai từ trái qua phải, hàng trong) cùng các bạn sinh viên họp thảo luận, lắng nghe ý kiến tư vấn, hướng dẫn của giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Theo TS Trương Thúy Hằng – Phụ trách Bộ môn, Khoa Giới phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Cuộc thi Sáng kiến giới nằm trong khuôn khổ dự án thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Tổ chức Oxfam Việt Nam, Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) tài trợ.

Năm nay, có 5 nhóm thực hiện dự án sáng kiến về giới. Hiện, các nhóm cơ bản đã hoàn tất các hoạt động tiểu dự án. Các sáng kiến được nhà tài trợ đánh giá cao, lan tỏa được thông điệp xóa bỏ định kiến giới trong cộng đồng, trong đó có nhóm thanh niên ở Hà Nội.

TS Trương Thúy Hằng (thứ hai từ trái qua phải, hàng đầu) cùng các đồng nghiệp và sinh viên của các nhóm thực hiện dự án trong Cuộc thi Sáng kiến giới.

TS Trương Thúy Hằng (thứ hai từ trái qua phải, hàng đầu) cùng các đồng nghiệp và sinh viên của các nhóm thực hiện dự án trong Cuộc thi Sáng kiến giới.

“So với mùa trước, các dự án được đánh giá cao hơn, số lượng và kinh phí được tài trợ nhiều hơn. Các nhóm có nhiều hoạt động tích cực ở cộng đồng; từ đó lan tỏa sâu rộng thông điệp về bình đẳng giới trong các hội nhóm thanh niên trên mạng xã hội” - TS Trương Thúy Hằng chia sẻ và cho biết, để có kết quả, có nhóm đã lên tận Sa pa (Lào Cai) để tiến hành khảo sát, thực hiện dự án với mục đích xóa bỏ định kiến giới và các phong tục tập quán lạc hậu về trẻ em gái, trai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua các nhóm dự án, Học viện Phụ nữ Việt Nam mong muốn sẽ xây dựng được thế hệ trẻ, tiên phong trong thay đổi định kiến về giới. “Trước mắt, chúng tôi muốn rèn luyện, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, bổ sung kiến thức, kỹ năng làm dự án cho sinh viên. Sau khi kết thúc các hoạt động của dự án, các em có thêm bài học hay, kinh nghiệm quý để tiếp tục lan tỏa các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới” - TS Trương Thúy Hằng trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TS Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT và bà Đinh Thị Ngọc Lan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình tặng quà cho Trường PTDTBT TH-THCS số 2 Kim Thủy.

Ấm áp những sẻ chia

GD&TĐ - Với nhiều thầy cô tại Quảng Bình, mùa Hiến chương năm nay thật ấm áp, bởi ngoài những món quà động viên, họ nhận được sự sẻ chia và thấu hiểu.