Hội nghị do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì và diễn ra sáng 15/12.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Sau khi nghe báo cáo tổng kết công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Giáo dục năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, các đại biểu cơ bản thống nhất những kết quả đạt được; đồng thời tán thành với mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh những kết quả đạt được, PGS.TS Lê Thị Thái – Phó trưởng Ban tổ chức - Nhân sự (ĐH Bách Khoa Hà Nội) nhận thấy vẫn còn những khó khăn trong công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, khó khăn là một số mục tiêu đặt ra nhưng chưa thực hiện được như: tỷ lệ nữ tham gia công tác quản lý và chưa tương xứng với tỷ lệ nữ của toàn đại học. Ngoài ra, chưa tổ chức được các khóa tập huấn đào tạo về giới và kỹ năng lồng ghép giới vào hoạch định và thực thi chính sách.
PGS.TS Lê Thị Thái tham luận tại hội nghị. |
Từ thực tiễn nêu trên, PGS.TS Lê Thị Thái đề xuất giải pháp trong đó nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng và ban hành quy định về quy chế hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ.
Cùng với đó, thực hiện phân công chức năng, nhiệm vụ cho từng thành viên rõ ràng thông qua ban hành quy chế hoạt động. Lựa chọn những người làm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ có đủ năng lực, nhiệt tình tham gia Ban và công tác nữ công của đơn vị.
Mặt khác, tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động công tác vì sự tiến bộ phụ nữ; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền các chỉ tiêu phấn đấu về hoạt động công tác của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. |
Đảm bảo kết quả bền vững
Tham luận tại hội nghị, ông Võ Văn Mai - Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Sở GD&ĐT Nghệ An, chia sẻ một số giải pháp nhằm phát huy công tác phối hợp liên ngành. Ông nhấn mạnh đến công tác truyền thông, tuyên truyền và phổ biến về mục đích, vai trò, tầm quan trọng của công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, bình đẳng giới.
Ông Võ Văn Mai cho hay, Sở GD&ĐT Nghệ An làm tốt công tác quy hoạch cán bộ nữ giữ các trọng trách của ngành; đồng thời tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý; nhất là ở cấp cơ sở giáo dục, tránh sự thiếu hụt về số lượng cán bộ nữ.
Trong quy hoạch công tác phụ nữ sát, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ vào sự phát triển của ngành.
Theo kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Nghệ An, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ phải xây dựng được những nguyên tắc cụ thể. Giám sát thường xuyên các cơ sở giáo dục về hoạt động trong công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới. Thực hiện kiểm tra, đánh giá thường kì để có những điều chỉnh kịp thời, giúp đỡ các đơn vị, cá nhân khi cần thiết.
Mặt khác, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tự giác, tích cực của mỗi cá nhân; phát huy sức mạnh tổng hợp để phấn đấu hoàn thành mọi kế hoạch đề ra, với hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, lắng nghe sự phản hồi từ các cơ sở giáo dục trong quá trình chỉ đạo, thực hiện để có những cải tiến tích cực trong công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, nhằm mục đích đem lại hiệu quả tốt nhất.
Ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) trao đổi tại hội nghị. |
Trao đổi tại hội nghị, ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, vấn đề giới và bình đẳng giới đã được đưa vào dạy học ở một số bộ môn như: Giáo dục công dân, Sinh học…
Năm 2023, Vụ Giáo dục Trung học tổ chức tập huấn 3 ngày về quyền con người, trong đó có gắn với vấn đề giới, bình đẳng giới đến tất cả các trường trung học. Năm 2024, Vụ sẽ tiếp tục triển khai, tập huấn những phần việc còn lại của Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT ngày 26/1/2022 của Bộ GD&ĐT “Ban hành Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030” (Quyết định số 383).
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đề nghị các địa phương, sở GD&ĐT cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề kinh phí dành cho hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới; đồng thời chú trọng truyền thông giáo dục về giới và bình đẳng giới trong các cơ sở giáo dục.
Bà Lương Thị Việt Hà – Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công (Công đoàn Giáo dục Việt Nam) chia sẻ tại hội nghị. |
Một trong những điểm nhấn trong công tác bình đẳng giới là phát triển phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, bà Lương Thị Việt Hà – Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công (Công đoàn Giáo dục Việt Nam) chia sẻ tại Hội nghị. Phong trào này đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng.
Tới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức tổng kết phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm và tổ chức khen thưởng cho những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào.
Cũng theo bà Lương Thị Việt Hà, năm 2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho 350 đại biểu là chủ tịch công đoàn, phó chủ tịch công đoàn và trưởng, phó ban vì sự tiến bộ phụ nữ. Theo đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, cùng nhiều nội dung vì sự tiến bộ phụ nữ.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới năm 2023. Những chương trình, hoạt động, việc làm ngày càng bài bản, rõ nét hơn; trong đó có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Công đoàn giáo dục Việt Nam với Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng đề nghị, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu kỹ văn bản để nhận diện vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ. Từ đó tham mưu tốt hơn trong công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.
Với các đơn vị sự nghiệp công lập, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần thấy được vai trò của mình trong công tác này. Cần quan tâm, đầu tư đến các chỉ số được nêu trong Quyết định số 383, để khi kiểm đếm phải hoàn thành.
Theo đó, mỗi đơn vị cần quan tâm đầu tư hơn nữa trong thực hiện các chỉ tiêu của Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Các cơ sở giáo dục đại học cần coi đây là chỉ số để phát triển bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu, uy tín cho đơn vị mình.
Muốn vậy, mỗi cán bộ, nhà trường cần có sự kết nối với nhau. Các đầu mối ở các Vụ, Cục cần chú trọng công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh kết luận hội nghị. |
Theo Thứ trưởng, trong mọi hoạt động, nhiệm vụ, càng chủ động bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Đồng thời, quan tâm đến khai thác nguồn kinh phí hoạt động cho công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới. “Làm sao để các chỉ số đạt được và đảm bảo bền vững” – Thứ trưởng nói.
Từ sự phối hợp hiệu quả giữa Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ GD&ĐT với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng mong muốn các đơn vị, khối ngành cần kết nối với nhau để lan tỏa những điều tốt đẹp.
Nhấn mạnh công tác truyền thông, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị, công tác này cần đi vào chiều sâu và hiệu quả. Chú trọng lan tỏa những mô hình hay, tấm gương tốt. Cùng với đó, xây dựng các đoàn kiểm tra đảm bảo tính khả thi, chuyên sâu, chuyên nghiệp để đạt được kết quả như mong đợi.