Sinh viên gặp khó khi tìm nhà ở Đức

GD&TĐ - Theo báo cáo Studentenwohn của tổ chức giáo dục MLP, giá thuê nhà tại 38 làng đại học ở Đức đã tăng 5,1% sau một năm.

Một số sinh viên Đức phải sống trong điều kiện tồi tàn vì không thuê được nhà.
Một số sinh viên Đức phải sống trong điều kiện tồi tàn vì không thuê được nhà.

Thành phố Berlin có mức tăng cao nhất (9,4%), theo sau là Leipzig với 9,3%. Còn tại Munich, một trong những thành phố có mức sống đắt đỏ nhất tại Đức, sinh viên mất 800 euro một tháng để thuê một căn hộ 30m2.

Vì giá thuê nhà quá đắt đỏ, sinh viên, nhất là sinh viên quốc tế, đăng kí vào ở kí túc xá đại học ngày càng đông. Ở đây, các em được miễn phí hoặc trợ giá thuê.

Tại Münster, hiện có hơn 3,6 nghìn người nộp đơn đăng kí vào ở ký túc xá đại học. Hầu hết là sinh viên quốc tế, những người gặp khó khăn hơn trong việc tìm nhà do không thành thạo tiếng Đức và không có thời gian khảo sát các địa điểm cho thuê.

Nhiều sinh viên phải qua đêm trong túi ngủ tại các nhà thi đấu thể thao của trường đại học. Số khác thuê nhà cách trường 2 tiếng di chuyển để tiết kiệm chi phí. Nhà thuê khan hiếm đến mức Hiệp hội Sinh viên thành phố Göttingen phải thuê một khách sạn làm nhà ở tạm thời cho sinh viên.

Khủng hoảng nhà ở tại Đức xuất phát từ việc xây dựng hạ tầng cho các thành phố lớn, đông sinh viên bị đình trệ. Kéo theo đó, thị trường nhà ở dành cho sinh viên giảm 20% trong năm học 2022 - 2023.

Ông Michael Voigtländer, một chuyên gia bất động sản tại Viện Kinh tế Đức (IW) cảnh báo: “Hàng loạt giấy phép kinh doanh bị từ chối khiến tình hình thị trường nhà ở trầm trọng hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ đang tìm kiếm nhà cho thuê”.

Chính phủ Đức đã có các biện pháp hỗ trợ sinh viên thông qua chương trình trợ cấp và cho vay liên bang. Mức hỗ trợ tối đa tăng từ 934 euro lên 992 euro một tháng, đủ cho sinh viên tìm được một căn hộ hợp lý có hệ thống sưởi ấm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự hỗ trợ của chính phủ không thể theo kịp với mức độ lạm phát của chi phí nhà ở. Ngoài ra, khoản trợ cấp sẽ chỉ dành cho một bộ phận nhỏ sinh viên đủ điều kiện. Để giải quyết gốc rễ vấn đề trên, chính phủ cần thúc đẩy quá trình xây dựng nhà ở.

Không chỉ sinh viên bị ảnh hưởng, cuộc khủng hoảng nhà ở có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lao động chuyên môn cao. Các trường đại học ở Đức chú trọng tuyển sinh quốc tế với số lượng gần như tăng gấp đôi từ năm 2013 đến 2023. Hầu hết du học sinh đều lựa chọn các ngành học về khoa học, kỹ thuật (STEM) bởi đây là lĩnh vực thiếu hụt lao động tại Đức.

Dù các chương trình học tại Đức tốt hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng chi phí nhà cho thuê cao sẽ khiến quốc gia này kém sức hút trong mắt sinh viên quốc tế. Về lâu dài, nó sẽ ảnh hưởng tới nguồn lao động chất lượng cao trong tương lai.

Khủng hoảng nhà ở đã gây ảnh hưởng lớn đến sinh viên quốc tế trong năm 2024. Các điểm đến du học phổ biến như Australia, Vương quốc Anh, Đức và Canada cũng phải vật lộn giải quyết vấn đề nhà ở trong bối cảnh nguồn cung giảm dần, giá thuê nhà cao chót vót trong thập kỷ qua.

Bà Sarom Roh, đại diện nhóm bảo vệ quyền lợi sinh viên quốc tế Migrant Students Unite, Đức, chia sẻ: “Ước tính có khoảng 4 - 5% sinh viên quốc tế vô gia cư. Chúng tôi ghi nhận hàng chục nghìn du học sinh rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi trong lớp học, đói và không biết họ sẽ ngủ ở đâu đêm nay vì không thuê được nhà”.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quân đội Israel khiến Gaza đổ nát.

Chiến tranh thế giới thu nhỏ

GD&TĐ - Chưa từng có về quy mô và thời gian, cuộc chiến tranh hỗn hợp Israel-Hamas có thể dễ dàng leo thang thành 'Chiến tranh thế giới thu nhỏ'.