Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19
Theo kế hoạch, từ ngày 4/5/2020, các học viên, sinh viên trường Đại học Điện lực sẽ trở lại trường học tập.
TS. Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực cho biết, các cán bộ viên chức, người lao động, học viên và sinh viên của Nhà trường sẽ thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt khi ra vào trường.
"Học viên, sinh viên đến trường trước giờ học 20 phút, phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình học tập ở trường. Đồng thời, phải rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn được nhà trường trang bị tại các hành lang, lối đi chung của các tòa nhà...", TS. Trương Huy Hoàng nói.
Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực cũng lưu ý, học viên, sinh viên hạn chế ra ngoài Nhà trường trong thời gian nghỉ giữa các tiết học. Cùng với đó, không tập trung đông người nơi công cộng, ngoài phạm vi Nhà trường, giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi tiếp xúc gần.
Trước đó, trường Đại học Điện lực đã tiến hành phun thuốc sát trùng diệt khuẩn Cloramin B tại các phòng học, phòng thực hành thí nghiệm, phòng làm việc và ký túc xá của cả 2 cơ sở nhà trường.
Khi sinh viên, học viên trở lại trường học, để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trường Đại học Điện lực cũng đã chuẩn bị tất cả các biện pháp cần thiết, đảm bảo an toàn cho sinh viên, học viên.
Ông Đỗ Hữu Chế - Phụ trách Phòng Hành chính quản trị (trường Đại học Điện lực) cho biết, đến thời điểm này, Trường Đại học Điện lực đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sinh viên tiếp tục trở lại trường học tập, nghiên cứu sau 1 thời gian dài phải học online để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Sinh viên năng động, sáng tạo
Trong thời gian sinh viên không học tập trung, việc giảng dạy online với E-learning của giảng viên trường Đại học Điện lực đều phải được triển khai đồng bộ.
Giảng viên đã thực hiện giảng dạy online theo thời khoá biểu của từng môn học và thống nhất với người học để tăng cường vào những ngày nghỉ cuối tuần nhằm đảm bảo kế hoạch năm học. Tất cả các giờ học online đều đảm bảo chất lượng, tạo được cảm hứng trong sinh viên.
Cùng với việc duy trì học tập, nhằm nâng cao tinh thần rèn luyện thể thao, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội với Slogan “Đại học Điện lực - Ở nhà vui cực”.
Đoàn thanh niên trường đã phát động thử thách Push-up & Squat Challenge 20 và đã thu hút hơn 50 CBGV và hơn 400 sinh viên tham gia. Cuộc thi đã góp phần đẩy mạnh tinh thần rèn luyện thể thao, nâng cao sức khoẻ của mọi người để đẩy lùi Covid-19.
Đặc biệt, sau một thời gian gấp rút cùng các chuyên gia y tế làm việc miệt mài, nhóm nghiên cứu khoa Điện tử viễn thông và Trung tâm Nghiên cứu phát triển, trường Đại học Điện lực đã cho ra đời phiên bản đầu tiên của máy hỗ trợ thở cho bệnh nhân mắc Covid-19 và các bệnh khác cần hỗ trợ".
Bước đầu máy hỗ trợ thở không xâm nhập đã được các chuyên gia y tế đánh giá cao góp phần trong công tác điều trị và phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, sau một tuần nghiên cứu và hoàn thiện, Tuổi trẻ Đại học Điện lực (CLB Robocon) dưới sự hướng dẫn của thầy Chu Văn Tuấn - Bí thư Đoàn trường cùng các thầy, cô trong Ban thường vụ Đoàn trường cũng đã chế tạo thành công “Buồng khử khuẩn toàn thân tích hợp máy đo thân nhiệt tự động” góp phần chung tay đẩy lùi ngăn chặn dịch bệnh.
Nhằm hỗ trợ sinh viên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trường Đại học Điện lực đã quyết định hỗ trợ tài chính nhằm giúp sinh viên khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19.
Cụ thể, Nhà trường hỗ trợ tiền học trực tuyến cho sinh viên cao đẳng, đại học hệ chính quy của trường Đại học Điện lực trong đại dịch Covid-19. Theo đó, sinh viên đã đăng kí học kỳ 2 năm học 2019-2020 mức hỗ trợ 500.000 đồng/sinh viên.
TS. Trương Huy Hoàng cho biết, trước mắt Nhà trường là hỗ trợ sinh viên một cách kịp thời, góp phần chia sẻ, động viên các em và gia đình cùng vượt qua những khó khăn bệnh dịch Covid-19.
Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các bài giảng trực tuyến, hỗ trợ tập huấn, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật... tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên truyền tải bài giảng trực tuyến đến các em sinh viên một cách hiệu quả.