Singapore: Thay đổi nội dung GD giới tính

GD&TĐ - Học sinh THCS tại Singapore sẽ sớm được học các chủ đề mới như cách bảo vệ bản thân khỏi tội phạm trên mạng. Đây là một phần trong kế hoạch thay đổi đối với chương trình giáo dục giới tính vào năm tới tại nước này, nhằm phù hợp với kỷ nguyên số.

Học sinh sẽ được tìm hiểu kỹ hơn về việc tự bảo vệ bản thân.
Học sinh sẽ được tìm hiểu kỹ hơn về việc tự bảo vệ bản thân.

Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ chú trọng nhiều hơn đến giá trị đạo đức, sự lành mạnh trên mạng và giúp người học hiểu được tầm quan trọng của việc tôn trọng bản thân cũng như người khác. Các chủ đề này sẽ được giảng dạy cả trực tuyến và trực tiếp.

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Giáo dục Singapore cho biết sẽ thường xuyên xem xét vấn đề giáo dục giới tính. Nhờ đó, giúp bảo đảm phù hợp với “nhu cầu thay đổi” của học sinh.

“Thông qua giáo dục giới tính, các trường học sẽ trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng phù hợp với lứa tuổi. Từ đó, giúp các em phát triển bản thân tích cực, duy trì những mối quan hệ lành mạnh và đưa ra quyết định sáng suốt, cũng như có trách nhiệm trong vấn đề tình dục,” tuyên bố nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Giáo dục Singapore, chương trình mới là một phần của Giáo trình Nhân vật và Giáo dục công dân. Bên cạnh giáo dục giới tính, trẻ cũng được học kỹ năng xã hội và tình cảm, như: Điều chỉnh cảm xúc, hiểu rõ hơn về cảm xúc và hành động của chính mình thông qua phát triển quan điểm, có sự đồng cảm cũng như đối xử với người khác và bản thân bằng sự tôn trọng.

Các chủ đề như quấy rối, lạm dụng tình dục kể cả hình thức qua Internet, cũng dự kiến được đề cập ở cấp THCS. Khi lớn hơn, các chủ đề sẽ bao gồm định kiến về giới và cách bảo vệ bản thân trước các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Các trường có thể tự do tùy chỉnh bài học, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Bộ Giáo dục. PGS.TS Jason Tan thuộc Ban Chính sách, Chương trình giảng dạy và Lãnh đạo (PCL) tại Viện Giáo dục quốc gia (NIE) lưu ý rằng, các giá trị chính như tự điều chỉnh và ra quyết định có trách nhiệm, sẽ được giữ lại trong chương trình mới.

“Ngày càng nhiều báo cáo về việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong các hành vi nhìn lén. Sự gia tăng của mạng xã hội đã kéo theo những tội danh như quấy rối tình dục trực tuyến. Những yếu tố này có lẽ đã cảnh báo nhiều người ngoài kia cũng như Bộ Giáo dục về việc làm nổi bật những mối nguy hiểm liên quan đến người lạ trên mạng”, PGS Tan nói.

Phần lớn các phụ huynh, cố vấn và chuyên gia về chính sách giáo dục đều hoan nghênh chương trình giảng dạy mới. Họ đồng ý rằng, chương trình học này sẽ giúp trẻ em hiểu biết hơn về những nguy hiểm từ kẻ tấn công tình dục.

“Một trong những khó khăn lớn mà tôi thấy là, vấn đề tình dục của con người thường gây tranh cãi, thậm chí là cấm kỵ đối với một số người. Điều này có nghĩa là các nhà giáo dục thường rất khó giúp học sinh thảo luận thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính”.

Bà Constance Lai - phụ huynh có hai con đang đi học tại Singapore, bày tỏ lo ngại rằng học sinh có thể trở nên tò mò sau giờ học.

“Có thể những đứa trẻ sẽ nghĩ: “Ồ, đây là điều mà mình chưa bao giờ nghĩ đến”. Vậy là trẻ có thể khám phá”, bà Lai cho hay.

Ông Martin Chok - Trợ lý Giám đốc tại Care Corner Youth Services và thường xuyên làm việc với các nạn nhân nhỏ tuổi cũng như tội phạm tình dục, cho biết, phải có các quy tắc cơ bản để đảm bảo học sinh và giáo viên giao tiếp hiệu quả.

“Cần có một mối quan hệ khăng khít giữa nhà giáo dục và học sinh. Chắc chắn là cần để trẻ không cảm thấy bị phán xét. Hoặc, đối với các nạn nhân, phải có một lối thoát để họ chia sẻ. Nếu không, trẻ có thể tự trách bản thân”, ông Chok bày tỏ.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, các trường học không được xem nhẹ việc truyền đạt những giá trị đạo đức cơ bản - thứ vốn chi phối quan niệm về tình dục và hôn nhân.

Không chỉ nhà trường, cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt giá trị và hướng dẫn trẻ về vấn đề liên quan đến tình dục. Do đó, Bộ Giáo dục khuyến khích các trường hợp tác chặt chẽ với phụ huynh để hỗ trợ trẻ.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.