Singapore: Sinh viên quốc tế trở lại trường

GD&TĐ - Hầu hết sinh viên quốc tế tại các trường đại học tự chủ tài chính của Singapore đều trở lại trong học kỳ mới. Trong khi đó, một số người chọn theo học các lớp trực tuyến khi đang ở nước ngoài.

Sinh viên tại NUS.
Sinh viên tại NUS.

Mihika Agarwal - sinh viên năm nhất tại Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), đã bay từ Ấn Độ đến Singapore vào ngày 11/9 và hiện phải tự cách ly 14 ngày.

“Là sinh viên năm nhất, tôi nhận thấy đại học là tất cả trải nghiệm thay vì chỉ đơn giản là học thuật”, nữ sinh 19 tuổi giải thích lý do không tham gia học trực tuyến.

Agarwal chia sẻ, một số người bạn của cô chỉ có thể học trực tuyến khi trở thành sinh viên của trường đại học Mỹ hoặc Anh. 

“Nhưng vì tôi đã được trao một cơ hội… Tôi nghĩ mình đã quyết định đúng đắn khi học trực tiếp”, sinh viên này nói.

Trong học kỳ mới, các trường đại học Singapore đã lựa chọn kết hợp các lớp học trực tuyến và trực tiếp, tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu. Trong đó, các bài giảng quy mô lớn vẫn được tổ chức trực tuyến.

Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) và Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) cho biết, phần lớn sinh viên quốc tế đã tới nhập học.

Người phát ngôn của NUS cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các sinh viên quốc tế còn lại nộp hồ sơ cho các cơ quan liên quan để có được sự chấp thuận cần thiết”.

Trong khi đó, theo đại diện của SUTD, phần lớn sinh viên quốc tế đều đã nhập cảnh vào Singapore và tuân thủ tự cách ly 14 ngày, trước khi học kỳ bắt đầu vào ngày 14/9.

“Những người không thể đến kịp do khó khăn trong bối cảnh đại dịch có thể tham gia các lớp học từ xa”, người phát ngôn của SUTD thông báo.

Trường Đại học Quản lý Singapore (SMU) cho biết, “một số” sinh viên quốc tế đã trở lại Singapore trong năm học mới. Nhà trường cũng đang hỗ trợ những người học còn lại về mặt thủ tục để có thể tới Singapore.

Các trường đại học này đều khẳng định vẫn giữ liên lạc với sinh viên ở nước ngoài và đang hỗ trợ người học trong các lớp trực tuyến.

“Chúng tôi thừa nhận rằng, học tập trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn trải nghiệm giáo dục trong khuôn viên trường. Hy vọng rằng, các sinh viên quốc tế đang chờ nhập cảnh vào Singapore sẽ có thể tham gia cùng chúng tôi khi thực sự an toàn”, người phát ngôn của NUS nhấn mạnh.

Đối với sinh viên quốc tế tại SMU, những người không muốn học trực tuyến có thể xin nghỉ trong học kỳ này.

Đối với Shreya Sanganeria - sinh viên năm thứ hai tại NUS, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc học trực tuyến.

“Về cơ bản, điều đó đã cho tôi tự tin để tiếp tục học ở Ấn Độ”, nữ sinh chuyên ngành kinh tế này cho hay.

Sanganeria trở về nhà vào tháng 5. Một tháng sau, cô phải quyết định về việc liệu có muốn trở lại Singapore trong học kỳ tiếp theo và giữ phòng trong khuôn viên trường hay không. Tuy nhiên, thời điểm đó, không có chuyến bay nào từ Ấn Độ đến Singapore.

Mặc dù quyết định không trở lại Singapore trong học kỳ này, nhưng Sanganeria chia sẻ, cô không chắc liệu mình có thể làm tốt khi học hoàn toàn trực tuyến hay không. Hiện tại, tất cả bài giảng đều được ghi hình lại. Do đó, sinh viên có thể xem vào bất kỳ lúc nào. 

“Tôi không cảm thấy như mình đang bỏ lỡ kiến ​​thức vì hình thức học trực tuyến và trực tiếp khá giống nhau. Nhưng đối với con người, khía cạnh tương tác, tôi cảm thấy rằng, mình không thể giao tiếp với mọi người. Điều đó sẽ khác khi bạn gặp mặt trực tiếp và làm quen với nhiều người hơn”, Sanganeria chia sẻ.

Nữ sinh này bày tỏ, khi học trực tuyến, mọi thứ bị hạn chế hơn rất nhiều và mọi người chỉ làm việc của riêng mình. 

“Và sau đó, chúng tôi chỉ kết thúc lớp học. Vì vậy, không có nhiều sự tương tác với các sinh viên trong khoá học. Họ là những người mà tôi chưa quen biết. Tôi cảm thấy như nhược điểm của học kỳ trực tuyến là sự thiếu hụt trong việc tương tác”, Sanganeria nói thêm.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.