Singapore: Giáo dục trẻ kỹ năng phòng chống nCoV

Singapore: Giáo dục trẻ kỹ năng phòng chống nCoV

Cung cấp kiến thức cho trẻ

Trong tiết học GD công dân tại Trường Tiểu học Farrer Park (Singapore), giáo viên đã yêu cầu HS đánh giá mức độ sợ hãi của các em về sự bùng phát của dịch bệnh do virus Corona gây ra, dựa theo thang điểm từ 1 - 10. Khoảng 1/2 HS trong lớp lựa chọn thang điểm 10, nhưng chỉ một vài em chọn con số 1, 2 hoặc 3.

Khi được hỏi lý do sợ nCoV, phần lớn HS đã liệt kê rằng, số lượng trường hợp nhiễm bệnh tại Singapore đang gia tăng và mức độ lan truyền dễ dàng của virus. Thậm chí, không ít trẻ có kiến thức về tên và bản chất của dịch bệnh, cũng như nguồn gốc của nCoV và số trường hợp được xác nhận nhiễm.

Để minh hoạ rõ ràng, giáo viên đã đưa ra một tình huống về việc lan truyền tin tức giả đối với nCoV. Thông qua đó, HS sẽ phải trả lời câu hỏi về những việc mà các em sẽ làm nếu nhận được tin nhắn từ bạn bè về một trường hợp được xác nhận nhiễm nCoV tại khu mua sắm gần nhà. Sau cuộc thảo luận nhóm, một người học lên tiếng: “Nhưng chúng ta thậm chí không biết rằng, liệu tin tức đó có đúng sự thật không”.

HS cũng được thảo luận về tình huống khi một số người có ý kiến tiêu cực đối với các bạn cùng lớp đến từ Trung Quốc. “Liệu đây có thể được coi là hành vi bắt nạt không?”, một HS nói.

Những bài học trên là một phần trong chương trình giảng dạy về chủng mới của virus Corona do Bộ GD Singapore triển khai. Khoá học được áp dụng đối với tất cả HS từ cấp độ tiểu học đến sau trung học, nhằm giúp các em có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để đối phó với dịch bệnh. Tài liệu về bài học ở các cấp độ đều tương đương nhau, nhưng giáo viên sẽ đưa ra những câu hỏi hướng dẫn và cách giảng dạy khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi HS.

Chia sẻ với truyền thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Farrer Park, ông Cheong Hwee Khim cho hay, HS tiểu học nhỏ sẽ được dạy về những điều cơ bản như cách vệ sinh cá nhân, cách rửa tay và đeo khẩu trang đúng. Trong khi đó, HS tiểu học lớn hơn sẽ học về các vấn đề như tin tức giả và tình trạng kỳ thị do sự bùng phát của nCoV.

Những chương trình giảng dạy này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong yêu cầu các trường không tổ chức những cuộc gặp mặt đông người, sắp xếp thời gian nghỉ giải lao một cách xen kẽ, hủy bỏ các hoạt động cắm trại, nhằm ngăn chặn sự lây lan của nCoV trong trường học.

Theo Bộ GD nước này, các hoạt động ngoại khóa và chương trình sau giờ học có thể được tiếp tục trong các nhóm quy mô nhỏ hơn. “Mục đích là thu hẹp hoạt động của HS, bằng cách không tiến hành các chương trình giảng dạy ở quy mô rộng rãi. Chúng tôi đã thực hiện từ đầu tuần này và không tổ chức lễ chào cờ”, Giám đốc các trường thuộc Bộ GD, bà Liew Wei Li cho biết.

Cũng theo bà Liew, Bộ GD sẽ đưa ra những biện pháp bảo vệ các trường học, nhằm giữ an toàn cho HS và nhân viên, bao gồm triển khai các biện pháp kiểm tra nhiệt độ của khách trước khi họ vào trường. “Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra lịch sử du lịch, chẳng hạn như nếu họ có lịch sử du lịch gần đây đến Trung Quốc, họ sẽ không được phép vào trường để tương tác với HS”, bà Liew nhấn mạnh.

“Tự chăm sóc bản thân và có trách nhiệm với xã hội”

Tại Trường Tiểu học Farrer Park, các HS được yêu cầu kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày. Các em cũng là những người chịu trách nhiệm tự mang theo nhiệt kế riêng, vệ sinh nhiệt kế và ghi chú lại nhiệt độ của mình mỗi ngày.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạm hoãn hoạt động cắm trại ngoài trời được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 10/2. “Chúng tôi đã giải thích với bọn trẻ. Dù chúng hơi thất vọng, nhưng tôi nghĩ chúng tôi cần dạy HS cách chế ngự sự thất vọng. Chúng tôi cũng tận dụng cơ hội này để dạy và giải thích cho các em lý do căn bản, giúp HS hiểu sự cần thiết của việc trì hoãn”, cô Cheong - một giáo viên của Trường Farrer Park nói.

Cô Cheong chia sẻ rằng, trong 2 tuần qua, các HS đã bắt đầu thuyết trình về tình trạng bùng phát dịch bệnh do nCoV gây ra vào tiết học “khởi động” - nơi trẻ có thể chia sẻ những kiến thức thú vị với cả lớp.

Trước diễn biến của dịch bệnh, giờ giải lao được chia thành 4 mức thời gian dựa trên cấp độ lớp học, nhằm bảo đảm rằng, sẽ không có hơn 240 HS trong căng tin cùng một lúc. Vào 20 phút trước giờ ăn, HS được dẫn đến một khu vực khác của trường trong 20 - 40 phút. Các cấp độ khác nhau sẽ chơi ở những khu vực khác, trước khi quay trở lại lớp một cách có trật tự.

Cô Cheong cho hay, một HS tại Trường Tiểu học Farrer Park đang xin nghỉ. Do đó, giáo viên được yêu cầu kiểm tra người học này mỗi ngày và cho phép em truy cập vào các bài học thông qua nền tảng trực tuyến mang tên “Không gian học tập của người học”.

“Khi cậu bé trở lại trường, tôi nghĩ rằng các giáo viên sẽ phải dạy bù và giúp cậu bắt kịp những kiến thức mà em cảm thấy vẫn mơ hồ. Tôi nghĩ rằng, đó là những việc mà giáo viên cần làm. Chắc chắn, sẽ có một số trẻ được nghe về virus Corona từ cha mẹ. Là trẻ nhỏ, các em có thể sẽ sợ hãi vì cha mẹ chúng sợ. Tôi nghĩ rằng, thông điệp quan trọng mà chúng tôi muốn gửi gắm tới các em và cả bản thân chúng tôi là, chúng ta đừng trở nên sợ hãi như chúng ta đang làm”, cô Cheong nói.

Cũng theo nữ giáo viên này, điều quan trọng là mọi người cần chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp trẻ nhỏ học được cách chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác.

“Tự chăm sóc và có trách nhiệm với xã hội - đây là hai thông điệp chính mà chúng tôi đã chia sẻ với những HS của mình và các em đã nhận thức được điều đó”, cô Cheong khẳng định.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ