Siết chặt quản lý, đa dạng hóa các loại hình trường mầm non

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình quản lý các nhóm, lớp MN tư thục tại 2 địa phương TPHCM và Đồng Nai.

Siết chặt quản lý, đa dạng hóa các loại hình trường mầm non

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Văn phòng Chính phủ, UBMTTQ, Tổng LĐLĐ, Hội Phụ nữ…

Cơ sở MN trong cộng đồng giáo dân cần phát huy

Với các trường tư thục, việc thực hiện cơ chế gíam sát, điều kiện thành lập như thế nào để có một môi trường đầu tư thuận lợi( thúc đẩy việc XHHGD), điều kiện cơ sở hạ tầng tốt nhất phục vụ học sinh chính là điều mà đoàn giám sát đặc biệt quan tâm. 

Thực tế kiểm tra tại hai địa phương TPHCM và Đồng Nai cho thấy: nếu các Ngành, tổ chức chính trị xã hội hỗ trợ được cho nhau, lấy mục đích duy nhất là phục vụ trẻ em thì có thể giảm tải áp lực giữ trẻ cho trường công, khiến phụ huynh yên tâm về công tác chăm sóc nuôi dạy trẻ.

Trong hai ngày thực hiện kiểm tra và giám sát công tác quản lý các nhóm, lớp MN tư thục độc lập của tổ chức tôn giáo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn thật sự ấn tượng trước những gì mà các đơn vị này mang lại cho học sinh. 

“Họ không chỉ mang lại cho học sinh sự thương yêu, môi trường sống và học tập an toàn một cách tuyệt đối, mà còn sống với trẻ bằng một tình yêu vô tận, trọn vẹn với tấm lòng từ tâm, bác ái. Họ thật sự đã và đang sống rất tốt đời - đẹp đạo”-Thứ trưởng Nghĩa chia sẻ.

Điểm mạnh của các trường MN trong cơ sở công giáo và các dòng nữ tu chính là điều kiện về cơ sở vật chất cùng đội ngũ GV rất tốt và ổn định. Ngoài mức học phí thu khá thấp so với mặt bằng chung, đội ngũ GV của họ là các sơ có trình độ sư phạm dạy thiện nguyện nên nguồn thu đều được họ tái đầu tư lại cho nhà trường.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn kiểm tra cho rằng: Đây là những mô hình trường tốt, cần nghiên cứu, học tập.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra bộ học cụ tại Trường Mẫu giáo Đinh Tiên Hoàng (Đồng Nai)
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra bộ học cụ tại Trường Mẫu giáo Đinh Tiên Hoàng (Đồng Nai)

Đa dạng hóa loại hình trường

Ngoài mô hình cơ sở giáo dục MN trong các tổ chức tôn giáo đang phát triển tốt và ổn định. Tại TPHCM và Đồng Nai, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng ấn tượng với mô hình Doanh nghiệp tham gia xây trường cho con em công nhân, Doanh nghiệp xây trường rồi chuyển giao cho địa phương hay cho một đơn vị khác quản lý.

Theo báo cáo, những năm qua, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với người lao động, một số công ty, doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai đã xây trường mầm non cho con công nhân. Tuy nhiên, việc đầu tư vẫn chưa tương xứng với nhu cầu gửi trẻ của người lao động.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Hải - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Sở GD&ĐT đã nhiều lần làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp để tìm biện pháp, nhưng vấn đề quỹ đất sạch trong khu công nghiệp vẫn đang là bài toán khó.

Rất nhiều Doanh nghiệp có tiếm lực kinh tế, mong muốn xây dựng trường cho con em công nhân của họ nhưng vẫn vướng rất nhiều.

Vì thế, lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị Chính phủ cần xem xét để điều chỉnh một số điều trong Nghị định 29 quy định không xây dựng trường mầm non trong khu công nghiệp, khu chế xuất để các doanh nghiệp có thể dễ dàng phối hợp với ngành GD&ĐT và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng các trường mầm non. 

Đồng thời cần có những chính sách đầu tư, hỗ trợ hệ thống trường mầm non ngoài công lập bằng nhiều hình thức; đãi ngộ, khuyến khích đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập và tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ bảo mẫu.

Về vấn đề các nhóm trẻ gia đình chưa cấp phép, qua nắm bắt tình hình thực tiễn, Thứ trưởng nhận định: Loại hình nhóm trẻ gia đình dù tiềm ẩn một số nguy cơ, nhưng phần nào giải được bài toán khó về việc tìm nơi gửi trẻ dưới 18 tháng tuổi của phụ huynh. 

Chính vì thế, địa phương cần tạo điều kiện, hướng dẫn các thủ tục, kiến thức trong việc nuôi giữ trẻ đồng thời phải tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT cần tham mưu và có chính sách hỗ trợ cho các nhóm lớp, trường MN tư thục hoạt động, tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn ngắn và dài hạn. 

Đặc biệt, công tác quản lý (kiểm tra, xử lý) cần nghiêm khắc và quyết liệt hơn theo các điều lệ quản lý, hoạt động của trường MN.

Riêng với các KCN, KCX có KTX cho công nhân ở, Thứ trưởng đề nghị ngành giáo dục địa phương sớm xúc tiến, đề nghị các đơn vị nên dành ít nhất một cơ số phòng làm nơi giữ trẻ để giải quyết bài toán quá tải.

Chia sẻ kinh nghiệm

Sáng nay (27/2), tại TP HCM, Bộ GD&ĐT tổ chức “Hội thảo về quản lý Nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục”  nhằm giúp cán bộ quản lý chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn trong công tác quản lý nhóm, lớp mầm non tư thục, tìm kiếm các giải pháp tổng thể để phát triển mạng lưới trường MN tư thục ổn định, bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì hội thảo.

Hội thảo thu hút gần 100 đại biểu là cán bộ quản lý, đại diện doanh nghiệp tại 5 tỉnh, thành phía Nam tham dự.

Đại biểu TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã phản ánh những bất cập trong việc xây dựng trường MN như: các Doanh nghiệp không mặn mà với chủ trương này, không có quỹ đất trong khu công nghiệp để xây trường, không chuyển đổi được đất cho công nghiệp thành đất phục vụ công tác giáo dục, thiếu nguồn nhân lực MN, vướng mắc trong các thủ tục xây trường MN của các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài…

Qua kiểm tra thực tế, Bộ GD&ĐT nhận định tại một số tỉnh thành - nơi có tình trạng tăng dân số cơ học cao - hệ thống trường lớp MN vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ, hoạt động của nhóm trẻ tự phát, chưa được cấp phép gây ra tình trạng mất an toàn cho trẻ vẫn còn.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần rà soát, xem xét lại công tác đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, công tác quản lý MN tại địa phương, đặc biệt là với các nhóm chưa cấp phép.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Hội thảo lần này là dịp để các địa phương cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển hệ thống trường lớp MN. Kết quả hội thảo sẽ là cơ sở để Bộ GD&ĐT rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách chăm sóc giáo dục trẻ MN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ