Cần thiết và cấp bách
Theo kế hoạch, trong tháng 5/2017, Thông tư sẽ đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ VH-TT&DL, cổng thông tin của Tổng cục Du lịch để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp du lịch cũng như các doanh nghiệp chịu sự chi phối của ngành du lịch mạo hiểm trước khi Bộ trưởng ký quyết định ban hành.
Thông tư hướng tới 3 đối tượng: Một là khách tham gia du lịch mạo hiểm, hai là ban quản lý khu du lịch nơi có loại hình du lịch mạo hiểm và ba là doanh nghiệp lữ hành được phép tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm.
Trên cơ sở Thông tư được ban hành và việc xây dựng quy chế hoạt động du lịch mạo hiểm ở các địa phương, chúng ta sẽ có một hành lang pháp lý rất thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành tham gia tổ chức các tour du lịch mạo hiểm; họ sẽ biết mình được làm gì, không được làm gì. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng như các điểm đến du lịch sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, phát huy thế mạnh của địa phương mình. Về khách du lịch, khi thấy các sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Việt Nam đảm bảo an toàn, an ninh tốt hơn, họ sẽ yên tâm hơn, khách tham gia trải nghiệm cũng tăng lên.
Sau những sự việc đáng tiếc xảy ra, dù ngành du lịch có vào cuộc chấn chỉnh song dường như những tai nạn trong du lịch mạo hiểm vẫn luôn là những nguy cơ tiềm ẩn. Vụ tai nạn khiến một du khách người Ba Lan và một hướng dẫn viên du lịch Việt Nam tử nạn ngày 23/2 vừa rồi là cảnh báo mới nhất về du lịch mạo hiểm.
Hãy là khách du lịch thông minh
Dẫu biết Thông tư ban hành có muộn màng sau khi để xảy ra những sự cố tai nạn đáng tiếc, tuy nhiên việc siết chặt lại quy định đối với tất cả các công ty du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch mạo hiểm là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Các sự cố tai nạn đối với du lịch mạo hiểm thời gian qua cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn là du khách không chấp hành nội quy khu du lịch, tự ý du lịch mạo hiểm tùy hứng, du lịch chui. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý loại hình du lịch này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, phần lớn những công ty đang khai thác loại hình này ở Việt Nam là tay ngang, tự học lẫn nhau và học trên mạng. Mặt khác ở Việt Nam không có quy chuẩn gì đối với loại hình này, ngay cả huấn luyện viên cũng không có chứng chỉ chuyên môn, chủ yếu là tự đúc kết kinh nghiệm. Hướng dẫn viên càng không có nghiệp vụ, nhiều người chỉ làm nhiệm vụ tập trung khách. Để loại hình này phát triển, thu hút nhiều khách quốc tế thì cơ quan quản lý du lịch cần phải đặt ra các quy chuẩn, rà soát và xử lý kiên quyết những đơn vị tổ chức thiếu chuyên nghiệp, không đảm bảo điều kiện.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, cần phải xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chung về phát triển du lịch mạo hiểm trên toàn quốc. Đặc biệt, cần ban hành những hướng dẫn để du khách nhận thức đúng khi tham gia vào loại hình du lịch mạo hiểm, tuân thủ các quy định khi thực hiện các loại hình du lịch mạo hiểm tại điểm đến.