Trong khi những người nghĩ mình đã bị “chơi ngải” tin đó là sự thật thì nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ có chuyện này là do giới showbiz vốn dĩ rất tin vào tâm linh.
“Chơi ngải” và chuyện “ngải quật lại”(?!)
Mới đây nhất là chuyện thầy trò nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường và người mẫu Lê Thúy lên Facebook cá nhân “nhắn gửi” đến kẻ đã dùng ngải hại mình với lời lẽ hết sức nặng nề.
“Dùng bùa ngải để hại tôi là trò bẩn thỉu của cưng và nó thể hiện sự tự ti, sự hèn nhát của cưng đối với sự thành công của tôi... Tồi tệ hơn, cưng còn dùng trò bẩn thỉu đó để hại những người xung quanh tôi...
Nhưng tôi nói rồi, chỉ có ông trời muốn tôi chết thì tôi phải chịu, chứ một con… như cưng không làm tôi sợ hãi đâu. Tôi sẽ ráng sống đến ngày cưng bị bùa ngải quật lại nó sẽ như thế nào.
Tôi không muốn nói nhiều, chỉ muốn tặng cưng một câu rằng, luật nhân quả luôn báo ứng đấy, nếu hôm nay tôi phải chết vì bất cứ lý do gì thì cưng cũng nên biết hôm sau cưng sẽ ra sao rồi đấy. Tốt nhất nên sám hối xin ông trời tha thứ cho những lỗi lầm của cưng đi” - Facebook của Đỗ Mạnh Cường viết.
Cũng như thầy của mình, người mẫu Lê Thúy cũng có những dòng status đầy bức xúc: “Mình cũng đâu có nhu cầu nhà lầu, xe hơi hay đại gia gì đâu, chỉ mong công việc nó hơi suôn sẻ để lo cho cuộc sống thôi mà.
Đời quá nhọ bởi những con người độc ác. Nhưng cuộc đời có vay có trả, ông trời đâu để yên cho mấy người sống độc ác mãi được đâu. Anh chị làm ơn bớt ác đi còn để đời cho con cháu của mình sau này nữa anh chị ạ.
Chứ cứ ngồi đó mà ghen tỵ rồi đi hại người thì cũng có ngày chết sớm, suy nghĩ nhiều quá máu nó không bơm lên não kịp đâu. Tôi đang mở mắt và chờ ngày anh chị bị “ngải” quật lại đây. Luật nhân quả nó không bỏ sót cho ai đâu anh chị ạ".
Một nhà thiết kế cho biết, chuyện “chơi ngải” ở Sài Gòn đã trở nên phổ biến tới mức nhiều người phải đề phòng về nó. Khi “ghen ăn, tức ở” một ai đó hoặc thấy người khác nổi tiếng hơn mình là ngay lập tức họ nghĩ tới chuyện nhờ thầy tạo… “ngải”.
Thế nhưng, nhiều người cho hay, khác với các bùa chú khác, việc dùng “ngải” là con dao hai lưỡi. Nếu quyết định dùng “ngải” để hại đối thủ thì họ cũng phải chấp nhận việc khi “ngải” hết tác dụng với đối thủ cũng là lúc họ sẽ bị “ngải quật” trở lại. Biết rõ điều đó nhưng nó cũng không làm cho họ lo sợ mà sẵn sàng đánh đổi để người kia bị hại (?!).
Theo kinh nghiệm dân gian, để tránh được bùa ngải nên ăn nhiều ớt, tỏi… Ngoài ra, biện pháp thiền tĩnh tâm, rèn luyện dưỡng sinh để có sức khỏe, sự thoải mái tâm hồn; nếu chất độc của bùa ngải quá nặng, nên đến các chùa Nam tông phật giáo nhờ lòng Phật trí tuệ, tình thương khôn khéo của các thầy hóa giải bùa chú theo cách từ bi nhất.
Tinh thần trong sáng, sự chân thành hướng thiện, sự thanh thản giải thoát những cái bẫy tham – sân - si chính là cách tốt nhất giúp con người không bị rơi vào vòng xoáy huyền hoặc của bùa ngải.
Dù trong giới showbiz, câu chuyện “ngải” đã trở nên rất phổ biến nhưng để tin nó là chuyện có thật như nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, người mẫu Lê Thúy và trước đó là ca sĩ Việt Quang, Tina Tình, Phương Thanh... thì hiện vẫn chưa được kiểm chứng.
Chỉ biết rằng, các “khổ chủ” đều kể rất tường tận về các biểu hiện mà họ cho rằng là do “bị ngải”. Rõ nhất là hiện tượng bất thường về sức khỏe như Tina Tình bị ngất xỉu trên sân khấu, Phương Thanh đau đầu như có ai đóng đinh, giọng khản đặc… và điều kỳ lạ là khi đi khám thì không phát hiện ra nguyên nhân. Họ còn cho biết, chỉ đến khi đến hỏi “thầy”, không chỉ bùa chú được giải mà họ còn biết rõ người hại mình là ai (?!).
Không biết lời “thầy” thế nào nhưng những người được các ca sĩ này ám chỉ đến thì nhiều năm qua, họ cũng không bao giờ liên hệ với nhau, khiến cho công chúng nửa tin, nửa ngờ về câu chuyện đầy chất “liêu trai” này.
Chuyên gia cũng… nước đôi
Cũng có nhiều ý kiến hồ nghi rằng, vì sao chỉ trong giới showbiz mới ồn ã chuyện “chơi ngải”. Điều này không loại trừ xuất phát từ việc giới này vốn dĩ rất “tín”.
Việc lớn nhỏ gì trong sự nghiệp, họ cũng đều hỏi “thầy” rồi mới đưa ra quyết sách. Chính vì vậy, câu chuyện về “ngải” cũng dễ dàng được thêu dệt đến mức được nhiều nghệ sĩ tin nó là có thật.
Theo các nhà nghiên cứu, việc nghe nhiều về “ngải” khiến những ý nghĩ về bùa ngải ngự trị trong não. Khi gặp điều không may xảy ra, sự nghi ngờ về khả năng mình bị bỏ bùa sẽ hiện lên. Khi đến gặp “thầy”, sự lý giải theo màu sắc mê tín khiến họ càng tin sự tồn tại của ngải là có thật.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cũng không phủ định hoàn toàn câu chuyện về ngải. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người) cho biết:
“Tôi có nghe nói nhiều về câu chuyện dùng ngải để yểm ai đó khiến cho họ gặp tai họa trong cuộc sống nhưng tôi chưa có dịp để tìm hiểu, nghiên cứu.
Cần phải tiếp xúc với các trường hợp bị ảnh hưởng từ “ngải”, theo dõi, thu thập các hiện tượng để nghiên cứu xem tính xác thực của nó tới đâu thì mới khẳng định được”.
Ở góc độ xã hội, nhà nghiên cứu Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Không ngoại trừ đây chỉ là hiện tượng tự kỷ ám thị. Có thể do áp lực công việc quá lớn dẫn đến stress, nhiều thị phi khiến họ nghĩ rằng, showbiz nhiều cái xấu hơn cái tốt.
Việc viện dẫn ra một số hiện tượng giống nhau ở những người được cho là bị “ngải” khiến một bộ phận cũng dần tin đó là sự thật”. Và cũng như nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, nhà nghiên cứu Trịnh Hòa Bình tỏ ra thận trọng trước hiện tượng này:
“Trong lòng xã hội hiện đại vẫn tồn tại những yếu tố tâm linh cần khoa học giải mã. Và khi khoa học vẫn còn chưa lý giải được thì không nên tin nhưng cũng không nên phủ nhận nó tuyệt đối”.