SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều khuyến khích sự sáng tạo của học sinh

GD&TĐ - Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên áp dụng SGK Tiếng Việt mới cho học sinh lớp 5, đồng thời áp dụng SGK mới theo Chương trình GDPT 2018 cho cả 3 cấp.

SGK Tiếng Việt Tập 1 và 2 lớp 5 bộ Cánh Diều.
SGK Tiếng Việt Tập 1 và 2 lớp 5 bộ Cánh Diều.

Từ năm học mới chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ thực hiện trong cả 3 cấp và 12 khối lớp (từ lớp 1 đến 12). Dịp này, PV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều để làm rõ những thay đổi trong phương pháp dạy và học.

PV: Thưa GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, xin ông cho biết về cấu trúc của SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều sẽ được áp dụng trong năm học tới?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: SGK Tiếng Việt 5 bộ Cánh Diều gồm 2 tập, tập 1: 148 trang, tập 2: 132 trang. Sách được thiết kế theo 4 chủ đề (Măng non, Cộng đồng, Đất nước, Ngôi nhà chung).

Mỗi chủ đề gồm một số chủ điểm đặt học sinh (HS) vào những môi trường giao tiếp cụ thể để mở rộng vốn từ, rèn luyện các kĩ năng ngôn ngữ, đồng thời mở rộng vốn sống, rèn luyện kĩ năng sống và bồi dưỡng các phẩm chất mà Chương trình GDPT 2018 đã quy định. Mỗi chủ điểm đóng vai trò một bài học chính, được học trong 2 tuần. Ngoài 15 bài học chính, sách còn có 4 bài ôn tập giữa và cuối mỗi học kì.

PV: Vậy SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều có sự khác biệt gì so với các lớp dưới, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Khác với SGK ở các lớp dưới, bài ôn tập cuối học kì II sách Tiếng Việt 5 sẽ giúp HS hệ thống hoá kiến thức, kĩ năng đã được học trong toàn cấp tiểu học dưới hình thức các bài tập thực hành.

Mỗi bài học chính trong sách Tiếng Việt 5 là một đơn vị trọn vẹn về nội dung tức là phản ánh một chủ điểm, trọn vẹn về các hoạt động học tập (đọc, viết, nói và nghe). Cấu trúc bài học trong sách phù hợp với quy trình hoạt động: Chia sẻ (Khởi động) - Khám phá - Luyện tập - Vận dụng - Tự đánh giá. Trong mỗi bài học, các hoạt động đọc, viết, nói và nghe được bố trí xen kẽ, luân phiên cho phù hợp với tâm lí tiếp nhận của HS và điều kiện dạy, học thực tế.

PV: Thưa GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, có điểm mới nào quan trọng cần phải lưu ý trong quá trình dạy và học không?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Chúng tôi đã tổ chức lại các chủ điểm trên cơ sở 4 chủ đề để đảm bảo tính hệ thống, phát triển của SGK Tiếng Việt tiểu học; đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Chúng tôi đã thiết kế chủ đề, chủ điểm này ngay từ đầu, cách đây 4-5 năm và đã bàn bạc kỹ lưỡng để bảo đảm tất cả các chủ đề, chủ điểm phục vụ cho nhu cầu rèn luyện toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh; cứ lớp sau phải cao hơn lớp trước.

Điểm thứ hai, SGK mới thực hiện dạy học phân hóa, sách có nhiều bài tập được lựa chọn.

Về cấu trúc, lần đầu tiên chúng tôi thiết kế có “phần cứng” và “phần mềm”. Trong đó, phần cứng là yêu cầu học sinh cả nước phải đạt được; với phần mềm, thầy cô có thể giảm bớt các hoạt động, thời gian để bù cho vùng học sinh khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa.

PV: Các bài đọc trong SGK luôn được các thầy cô, phụ huynh quan tâm nhằm đảm bảo tính giáo dục cho học sinh? Ông có chia sẻ gì về các bài đọc trong SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết:Các bài đọc trong Tiếng Việt 5 được sắp xếp theo một trình tự hợp lí. Ví dụ, ở chủ điểm Có lí có tình (việc giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng), các bài đọc được bố trí theo trình tự: từ xét xử (Mồ Côi xử kiện) đến hoà giải (hoà giải ở toà án – Người chăn dê và hàng xóm; hoà giải trong lớp học, với vai trò của thầy cô (Chuyện nhỏ trong lớp học) và tự hoà giải (hoà giải giữa các lớp với vai trò của liên đội trưởng (Tấm bìa các tông); tự hoà giải giữa hai HS có mâu thuẫn (Ai có lỗi?).

Thực hiện yêu cầu của chương trình, sách có những bài đọc về di tích lịch sử và việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử như: Nghìn năm văn hiến, Thăm nhà Bác, Hoa trạng nguyên. Học các chủ điểm Sánh vai bè bạn, Cánh chim hoà bình, Vươn tới trời cao,… chắc chắn HS sẽ rất xúc động và tự hào với hình ảnh Cô gái mũ nồi xanh và điệu dân ca quan họ vang trên mảnh đất Trung Phi xa xôi, với hình ảnh người bạn quốc tế thuỷ chung Ray-mông Điêng (Việt Nam ở trong trái tim tôi) và hình ảnh một nhà khoa học Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhiều đóng góp cho khoa học và đất nước (Vinh danh nước Việt),… Đây là những đề tài lần đầu tiên xuất hiện trong SGK Tiếng Việt tiểu học.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều.

PV: Việc rèn luyện viết, cách hành văn cho học sinh ở lứa tuổi này cũng quan trọng. Vậy các tác giả đã thiết kế bài viết như thế nào?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo quy định của chương trình, HS lớp 5 sẽ học cách viết một số đoạn văn (đoạn văn giới thiệu một nhân vật trong một câu chuyện hoặc bộ phim, vở kịch thiếu nhi; đoạn văn bày tỏ tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện, bài thơ hoặc một sự việc; đoạn văn nêu ý kiến về một hiện tượng hoặc vấn đề xã hội phù hợp với nhận thức của lứa tuổi); cách viết một số văn bản hành chính (báo cáo kết quả thực hiện một công việc, chương trình hoạt động); cách kể chuyện sáng tạo; cách viết các bài văn tả người, tả phong cảnh.

Trình tự dạy các bài viết được bố trí phù hợp với tâm lí tiếp nhận của HS và lô gích của hệ thống bài học. Ví dụ, sách dạy tả người ở học kì I, tả phong cảnh ở học kì II vì trong phong cảnh có cả hoạt động của con người. Dạy tả người ở học kì I cũng là để tiếp nối lô gích từ lớp 4: tả cây cối ở học kì I, tả con vật (khác với cây cối, có hoạt động, tính tình) ở học kì II.

SGK bố trí thời lượng học mỗi kiểu bài viết tuỳ theo độ khó của kiểu bài. Ví dụ, sách dạy viết bài văn tả phong cảnh trong 9 tiết, lần lượt hướng dẫn HS tìm hiểu cấu tạo bài; cách quan sát; thực hành quan sát; cách tìm ý và lập dàn ý; cách mở bài; cách kết bài; cách viết một đoạn thân bài; thực hành viết toàn bài; và kết thúc bằng tiết trả bài. Để HS nắm chắc cách viết, trong 9 tiết học này, sách tập trung vào một đề bài mà học sinh đã chọn hoặc một ngữ liệu đã quen để học sinh hiểu thật kĩ cách viết; đến bước luyện tập mới mở rộng sang đề bài khác hoặc ngữ liệu khác.

PV: SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều còn những điểm gì mới, thưa GS?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Về các bài nói và nghe, mỗi bài học chính trong SGK có 2 tiết luyện nói và nghe. Ở tiết học đầu tiên, HS được hướng dẫn trao đổi về một vấn đề liên quan đến chủ điểm của bài học theo gợi ý trong SGK. Ở tiết học thứ 2, HS giới thiệu và trao đổi về những câu chuyện (hoặc bài thơ, bài báo, vở kịch) các em đã đọc ở nhà về chủ điểm đó. Hai tiết trao đổi này vừa giúp HS khắc sâu chủ điểm vừa bồi dưỡng kĩ năng nói và nghe cho các em; đồng thời cũng tạo điều kiện để các em được báo cáo kết quả đọc mở rộng ở nhà.

Với các bài từ ngữ - ngữ pháp (luyện từ và câu), theo quy định của chương trình, HS lớp 5 sẽ tiếp tục học cách tra từ điển và các nội dung khác: từ đồng nghĩa và từ đa nghĩa; đại từ và kết từ; dấu gạch ngang; quy tắc viết tên riêng nước ngoài; câu đơn và câu ghép; các biện pháp liên kết câu; các biện pháp tu từ – viết hoa để thể hiện sự tôn trọng đặc biệt và điệp từ, điệp ngữ.

Tra từ điển là một nội dung thiết thực, lần đầu tiên được dạy trong SGK Tiếng Việt tiểu học và cũng là lần đầu tiên được dạy trong SGK Ngữ văn – Tiếng Việt phổ thông nói chung. Ở lớp 4, HS đã được học cách tra từ điển tiếng Việt để tìm hiểu nghĩa của từ.

Đến lớp 5, bên cạnh việc tiếp tục hướng dẫn HS rèn luyện kĩ năng tra từ điển để tìm hiểu nghĩa của từ, SGK còn dạy các em cách tra một số từ điển thông dụng (như từ điển từ đồng nghĩa tiếng Việt, từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, cẩm nang phòng tránh tai nạn, thương tích,...) để tìm các từ đồng nghĩa; hiểu các thành ngữ, tục ngữ phổ biến; tìm hiểu về những nhân vật lịch sử được dạy trong SGK hoặc được đặt tên cho đường phố, trường học; tìm hiểu các thông tin khác về khoa học và đời sống;...

SGK Tiếng Việt 5 cũng dạy HS cách tra cứu những kiến thức này trên mạng Internet. Đồng thời, đơn vị làm sách Cánh Diều còn tổ chức biên soạn Sổ tay từ ngữ Tiếng Việt 5, Sổ tay kiến thức Tiếng Việt 5 để HS có công cụ tra cứu phù hợp với điều kiện của HS tiểu học.

PV: Được biết, trong SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều có hoạt động sáng tạo dành cho học sinh, xin ông cho biết thêm thông tin về phương pháp dạy học này?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Hoạt động được nhóm tác giả chúng tôi đặt tên là Góc sáng tạo trong SGK mới. Đây là phương pháp dạy học vừa giúp HS tổng kết, vận dụng những điều đã học sau mỗi bài học (chủ điểm) vừa khuyến khích sự sáng tạo ở các em.

Ở lớp 5, bên cạnh các hoạt động viết, vẽ theo chủ điểm của bài học, HS còn được hướng dẫn để thực hiện các trò chơi mở rộng vốn từ, giao lưu, diễn kịch và tổ chức những góc trưng bày nhỏ sản phẩm sáng tạo,… Qua 4 năm triển khai bộ SGK Tiếng Việt Cánh Diều, có thể thấy Góc sáng tạo là hoạt động rất hấp dẫn HS. Có cơ sở để tin rằng Góc sáng tạo ở lớp 5 cũng sẽ là tiết học được HS háo hức mong chờ trong mỗi bài học.

Cám ơn những chia sẻ của ông!

SGK Tiếng Việt lớp 5 bộ Cánh Diều được viết bởi những giảng viên đầu ngành sư phạm trong lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt, cùng với triết lí “Mang bài học vào cuộc sống – Đưa cuộc sống vào bài học”. Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên là GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, ông nguyên là giảng viên cao cấp thuộc Khoa ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; cùng các tác giả: Chu Thị Thuỷ An, Nguyễn Hoàng Mỹ Anh, Hoàng Hoà Bình, Vũ Trọng Đông, Nguyễn Khánh Hà, Đỗ Thu Hà, Trần Đức Hùng, Đặng Kim Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ