Sếp và bằng cấp

Sếp và bằng cấp

(GD&TĐ) - Lâu nay những câu chuyện nịnh thần tưởng ngỡ chỉ được nghe trong sử sách. Nhưng, vấn đề nịnh đang là chuyện nóng sốt đối với những kẻ ngộ nhận về mình. Thậm chí, có kẻ cơ hội đã tâng bốc đến tận mây xanh với 1001 lý do khiến sếp nhẹ dạ bất tài thích phỉnh nịnh mềm lòng và yêu quý.

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Chuyện ở một cơ sở GD nọ. Vốn không bằng cấp đáng kể gì để tự hào, nhưng để khoe với thiên hạ, sếp học gấp lên cái bằng tiến sĩ kẻo “lạc hậu” so với đàn em. Quân giỏi hơn tướng, bằng cấp hơn tướng có mà nghịch lý à? Ai chịu được? Sếp biết nhiều khi cái bằng thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ không chứng minh được rằng kẻ đó là tài thực, hơn mọi người một cái đầu thực. Nhưng sự đời, bằng cấp nó như vật trang sức, khoe đấy mà sử dụng hữu hiệu thì không... Vả chăng, tiếp xúc, mấy ai lại mở đầu bằng câu nói: - “Chào ông, tôi là thạc sĩ, tiến sĩ X... Rất hân hạnh được tiếp kiến cùng ông...”...

Tuy nhiên, sếp mới có bằng liên thông ĐH, do cơ cấu, lại là người của lãnh đạo tỉnh đưa về, nên những từ như thạc sĩ, tiến sĩ... đều là vô nghĩa trong việc cấp phong vị trí cho sếp...

Cho đến một ngày sếp nhận ra quân mình bằng cấp nọ, chứng chỉ kia... cứ phơi phới... dẫu không nói ra, trong lòng sếp cũng có nỗi niềm khôn tả. Sau thời gian dài suy nghĩ mông lung, sếp quyết tâm đi học cao học để làm đà đi tới. Bởi trong xã hội hiện nay, bằng cấp như một tấm vé thông hành để “cộng điểm” cho cá nhân hơn. 

Thế là sếp đi thi...

Biết trước việc thi cử không giản đơn như thi Cao đẳng  liên thông Đại học. Nhất là môn ngoại ngữ, giờ sếp nhìn mấy câu tiếng Anh, cứ u ơ như gà mắc tóc... Rồi còn thi môn chuyên ngành, môn cơ sở nữa...

Ngay lập tức, mấy nhà “nịnh học” trong cơ quan bàn với sếp và giao nhận trách nhiệm cho nhau về việc đỗ đạt của sếp. 

Và, chưa bao giờ, việc đi thi của sếp lại có nhiều người lo lắng và chuyên tâm như thế. Việc tiếp cận thầy, việc học ôn riêng sau khi ôn chung... rồi việc lên kế hoạch “bằng mọi giá phải thi đỗ” của nhóm “nịnh học” đã bắt đầu khởi động...

Ngày thi đã đến, bầu đoàn thê tử của đàn em sếp bận rộn hơn cả sếp. Bởi vì công lao chọn thầy, với kế hoạch tác chiến trong tầm nhìn từ vi mô đến vĩ mô đã được sắp xếp bài bản, có kế hoạch và kỹ lưỡng. ..

Cuối cùng  ngày thi cao học cũng đã xong...

Sếp, ra khỏi phòng thi, gương mặt  phấn khởi rạng rõ nhìn đàn em chầu chực bên ngoài gật đầu thân thiện. Cứ trông gương mặt sếp lúc ấy, ai cũng thở phào vì sếp đã hoàn thành bổn phận thí sinh một cách ngoạn mục và thành công.

“Thế chứ... Chẳng lẽ chuẩn bị bài bản, công phu thế mà không đỗ, họa chăng có mà... loạn...”. Sếp hỉ hả lắm...

Phen này, sếp cắp tấm bằng thạc sĩ xênh xang trong tỉnh, ối đứa xanh mắt ra. Cứ bảo là sếp đầu đất với tự kỷ nữa đi... Có chúng mày tự kỷ và đầu đất ấy.  

2 năm học đã trôi qua. Cũng là 2 năm mà sếp rảnh việc để đi giao lưu, còn chuyện công sở phòng ban giao cho tay thân tín là sếp phó điều hành. Bụng bảo dạ là cái chức Giám đốc, sau này cũng đến tay mình, nếu ăn ở phải đạo với sếp, nên sếp Phó ngoan ngoãn, như một chú cừu cứ nhất nhất làm theo ý sếp trưởng. 

Ngày sếp bảo vệ luận văn, cả cơ quan bận rộn... với hoa, quả, tiệc ngọt, tiệc mặn... Sếp, áo mũ xúng xính... lên bảo vệ rất hoành tráng, bài bản với những câu hỏi đã được biết từ trước, và cũng đã được chính thầy cô phản biện giải hộ.

Cuối cùng, sếp được 10 điểm, sau khi sếp trả lời trôi chảy được hết 100% các câu hỏi mà các giáo viên đưa ra. Đây là điểm số tối đa mà  sếp ao ước. Cuối cùng đã đạt được.

Sếp vui lắm.

Ngay sau khi bảo vệ xong, sếp cho đưa thông tin lên trang Web của cơ quan đưa tin bài và ảnh sâu đậm về sự kiện này. Sếp yêu cầu cậu phụ trách trang Web gửi sự kiện này qua những đường link dẫn tới bạn bè.

Và, cũng chỉ một ngày sau, trong card visit mới của sếp được làm lại như sau: “Nguyễn Vũ.....- GĐ, Thạc sĩ...”  với màu đỏ rực ở phần chữ, mang đậm tính cổ động, ấn tượng và khó nhầm lẫn.

Tuy nhiên, sau khi trở thành thạc sĩ, người ta vẫn thấy sếp nói ngọng, tri thức không có gì mới qua ứng xử và làm việc. 

Mới hay, bằng cấp không phải để trang trí. Trí tuệ và tầm văn hóa, đạo đức đạt đến đâu mới có thể tạo thành thương hiệu cá nhân để có thể tôn vinh một con người.  

Sa Mộc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.