Trường học hay địa ngục
Marabout được tôn sùng như những vị thánh “sống” theo truyền thống Hồi giáo Sufi tại Senegal. Ở đất nước với 90% dân số theo đạo Hồi, các marabout có ảnh hưởng rất lớn. Những gia đình nghèo, phần lớn từ nông thôn, thường gửi con cho các marabout để học kinh Koran. Những vị phụ huynh này không biết được rằng con cái họ đã rơi vào hố sâu bóc lột sức lao động. Nhiều gia đình từ quốc gia lân cận cũng gửi con vào trường Koran. Vào ngày 11/7, có 9 em (bị thu gom trong chiến dịch xoá sổ trẻ ăn xin) được hồi hương về nước láng giềng Guinea.
Khi được gửi gắm dạy bảo dưới bàn tay thầy giáo những ngôi trường Koran, bọn trẻ ngoài thời gian học ít ỏi, trở thành công cụ kiếm tiền cho những ông thầy đầy thế lực này.
Trẻ ăn xin bị ép buộc xin thực phẩm và tiền cho tới khi đủ “định mức” mới được về trường. Thậm chí vào buổi tối tại Dakar, không thiếu những đứa trẻ vẫn lang thang với cái ống bơ rỗng, và không dám về trường vì chưa xin đủ.
Sau vụ cháy một trường Koran năm 2013, người ta phát hiện trường này nuôi giữ 60 đứa trẻ từ 6 - 12 tuổi. 9 trẻ chết cháy được tìm thấy trong một căn phòng bị khóa chặt, trong lúc những trẻ khác đã trốn khỏi trường hoặc ngủ bên ngoài.
Nỗ lực giải cứu
Trong chiến dịch giải cứu trẻ ăn xin mới đây, bọn trẻ được thu gom từ đường phố được chuyển tới Trung tâm Trẻ em Guinddi cùng với các nhân viên xã hội. Ở đó chúng được kiểm tra dấu hiệu ngược đãi và bệnh tật. “Bọn trẻ khi được đưa vào Trung tâm thường cung cấp số điện thoại của thầy giáo để chúng tôi liên hệ” – Maimouna Balde, Giám đốc Trung tâm Guinddi cho biết - “Khi phụ huynh hoặc giáo viên đến đón, nhân viên Trung tâm sẽ cảnh cáo rằng nếu những đứa trẻ mà họ đang giám hộ được tìm thấy vẫn ăn xin trên đường phố thì họ sẽ bị khởi tố”.
Chiến dịch thu gom trẻ đường phố hiện tại là lần đầu tiên đạo luật được ban hành cả thập kỉ qua được thực hiện nghiêm, theo đó phụ huynh hoặc người giám hộ những trẻ ăn xin đường phố có thể đối mặt 2 - 5 năm tù giam và mức phạt tiền tới 3.300 USD.
Chiến dịch truy quét này sẽ tiếp tục “tới khi nào không còn những đứa trẻ lang thang trên đường phố” – bà Balde nói.
Với 270 trẻ được “thu gom” trong 2 tuần đầu tháng 7 tại Dakar, theo số liệu của nhà chức trách, thì việc xoá sạch 30.000 trẻ ăn xin trên đường phố hàng ngày là một chặng đường dài.
“Có những khoảng tối phía sau hệ thống giáo dục khai thác bóc lột trẻ em qua ăn xin – công việc mang lại nguồn lợi lớn và dễ dàng” – Niokhobaye Diouf, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ trẻ em quốc gia nói.
Hồi tháng 2, nhà chức trách Senegal phát hiện 20 bé trai từ 6 đến 14 tuổi bị xích bởi thầy giáo và cũng là người quản lí chúng. Đây là vụ việc hiếm có bị khởi tố hình sự. Vụ khởi tố hình sự này có thể coi là ánh sáng le lói của công lí trong việc bảo vệ quyền trẻ em.