Container vô chủ không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý, mà thậm chí một số còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xử lý dứt điểm, mạnh tay giải tỏa số hàng tồn đọng và có biện pháp ngăn chặn rác thải nhập khẩu vào Việt Nam đang là vấn đề cấp bách...
Hàng ngàn container tồn đọng
Hiện ở các cảng biển lớn trên toàn quốc như TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu... có hàng nghìn container hàng hóa tồn đọng. Trong số đó, cảng Hải Phòng có lượng container tồn đọng lớn nhất, với 3.845 container quá hạn làm thủ tục hải quan (hơn 90 ngày) tính đến thời điểm cuối tháng 3/2016.
Tổng cục Hải quan cho biết, hầu hết hàng hóa trong các container tồn đọng tại Hải Phòng là từ tháng 8/2014 trở về trước, quá hạn làm thủ tục từ 90 ngày trở lên, tập trung vào các nhóm hàng hóa phế liệu và thuộc loại hình tạm nhập về để tái xuất đi Trung Quốc.
Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng), khoảng 2 năm nay đang phải bất đắc dĩ quản lý một số container bốc mùi xú uế do không có chủ hàng đến mở tờ khai hải quan để làm thủ tục tái xuất. Trong khi đó phí lưu kho, gồm cả tiền điện chạy hệ thống làm lạnh cho những công hàng này đã lên hàng tỷ đồng. Nhưng, cảng Chùa Vẽ trên thực tế chỉ là đơn vị giữ hộ hàng nên không có quyền mở kẹp chì để kiểm tra. Đây hầu hết là những container thuộc loại hàng tạm nhập tái xuất và vì nhiều lý do, người đứng tên mua từ chối nhận hàng. Bên cạnh đó, lại thiếu cơ sở pháp lý để xác định chính xác ai là chủ hàng, nên chỉ có thể quy trách nhiệm cho đơn vị vận chuyển là chủ tàu nước ngoài.
Cần có quy định cụ thể
Theo các chuyên gia, nguyên nhân các container hàng hoá tồn đọng tại cảng biển chưa được giải quyết là do Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 203/2014 hướng dẫn lại, quy định xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động của hải quan. Việc hàng hóa tồn đọng tại cảng biển liên quan đến 2 loại.
Nếu hàng hóa trong container có dấu hiệu trốn thuế thì hải quan chủ trì là đúng, vì cơ quan này có chức năng kiểm soát hàng hóa nhập khẩu. Loại hàng hóa thứ 2 liên quan đến chủ tàu, chủ cảng và các bên giao nhận là quan hệ dân sự bình thường và dẫn đến tình trạng hàng tồn đọng, hàng vô chủ không có người nhận. Trường hợp này lẽ ra phải giao cho doanh nghiệp cảng chủ trì xử lý, nhưng Thông tư 203 lại giao cho hải quan chủ trì, nên rất khó giải quyết vì ngân sách sẽ phải chi ra một khoản tiền lớn mà chưa biết sẽ bố trí từ nguồn nào.
Theo Tổng cục Hải quan, thực tế những container tồn đọng tại các cảng biển phần lớn là phế liệu nhập khẩu như: Lốp ô tô, ắc quy cũ hỏng, thuỷ tinh, bóng đèn, dây điện, đồ nhựa…, thuộc diện cấm nhập khẩu và núp bóng hàng tạm nhập tái xuất để vào nước ta. Nói về vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp duy nhất hiện nay là phải siết lại quy định về tạm nhập tái xuất để hạn chế phế thải công nghiệp núp bóng tạm nhập tái xuất tràn vào nước ta.
Bởi thực tế cho thấy, tạm nhập tái xuất là loại hình hoạt động có nhiều ưu đãi về chính sách thuế nên không ít doanh nghiệp đã lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Liên tục thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện, bắt giữ những vụ buôn lậu quy mô lớn sử dụng hình thức tạm nhập tái xuất.
Điều đáng nói, nhiều lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam theo diện này là hàng thuộc diện cấm nhập khẩu, như phế thải công nghiệp, thực phẩm đông lạnh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao… Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, những lô hàng này sẽ bị “từ chối nhận hàng” và biến các cảng biển của Việt Nam thành kho chứa rác thải công nghiệp và chính những rác thải này sẽ gây ra những hệ luỵ khôn lường tới môi trường cũng như sức khỏe của người dân.