Sẽ khó thuyết phục!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không lâu sau khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại vừa có kiến nghị tăng giá điện vào tháng 9/2023.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không lâu sau khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại vừa có kiến nghị tăng giá điện vào tháng 9/2023 với lý do mức tăng 3% thực hiện từ đầu tháng 5 chưa cân đối được chi phí.

Cụ thể, theo báo cáo của EVN kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của tập đoàn và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao nhưng giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 lỗ 26.463 tỷ đồng.

Và dù với việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4/5/2023, theo dự kiến doanh thu bán điện tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại của năm 2023 nhưng mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện và EVN vẫn còn khả năng lỗ, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang là 26.463 tỷ đồng, dự kiến mức lỗ của cả năm 2023 là 40.884 tỷ đồng.

Với những lý do trên, EVN kiến nghị Thủ tướng sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023 - 2025.

Cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1/9/2023 để bù đắp phần tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

Thực tế, việc giá bán lẻ điện tăng 3% chưa tác động quá nhiều đến đời sống người dân nhưng với những lý do mà EVN đưa ra để đề xuất tăng giá điện vào tháng 9 tới hiển nhiên còn nhiều “khúc mắc” cần giải quyết thấu đáo.

Như phân tích của một đại biểu Quốc hội thì EVN lỗ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan như đã giải trình. Tuy nhiên, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là vấn đề quản trị kinh doanh, tính toán của doanh nghiệp.

Do đó, cần rà soát, nghiên cứu xem tại sao hoạt động sản xuất kinh doanh EVN lại thua lỗ trong thời gian dài như vậy, từ đó mới thấy được điểm nghẽn để tháo gỡ chứ không phải cứ thua lỗ là lại xin, lại đề nghị tăng giá bởi như vậy vô tình phần thiệt thòi sẽ thuộc về người dân.

Quan trọng hơn, tăng giá điện chỉ là một giải pháp chứ không phải tất cả. EVN phải đổi mới cách quản trị và kinh doanh để tiết kiệm tối đa nguyên liệu đầu vào, kinh doanh hiệu quả. Và trước khi tính đến việc tăng giá, EVN cần xem xét lại cơ cấu tính giá điện như thế nào cho hợp lý để người dân, doanh nghiệp và cả EVN không phải chịu thiệt.

Một đại biểu Quốc hội khác thì thẳng thắn: Người dân không liên quan đến việc EVN thua lỗ. Đó là do sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không tiết kiệm, tinh giản bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao.

Cho nên, vấn đề ở đây là cần xem xét lại chi phí hệ thống vận hành đường truyền tải điện, chi phí cho sản xuất điện của EVN như thế nào bởi nhiều người vẫn lo ngại chi phí này quá lớn, bộ máy hoạt động cồng kềnh nhưng lại tính hết vào giá thành.

Vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh thêm rằng, EVN là một doanh nghiệp Nhà nước với vai trò chủ đạo sản xuất, cung ứng điện nên thanh tra, kiểm tra vai trò của tập đoàn này để trả lời cho Quốc hội biết việc quản lý, quản trị của doanh nghiệp như thế nào, tại sao năm nào cũng thua lỗ?

EVN là doanh nghiệp, hàng hóa của EVN cũng chịu tác động chi phối bởi giá cả thị trường nên việc tăng - giảm giá bán sản phẩm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những lý giải của đơn vị này sẽ rất khó thuyết phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ