Tăng giá điện như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 1.864,44 đồng/kWh từ tháng 3/2019 đến nay, EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trao đổi với báo chí bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, áp lực tăng giá điện rất lớn, Bộ Công Thương đang trình phương án tăng giá bán lẻ.

Mức tăng giá cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm tổng hoà lợi ích như cân đối tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lợi ích người dân, doanh nghiệp sản xuất và kiểm soát lạm phát.

Thực tế, EVN đang bị lỗ. Lý do, theo Bộ Công Thương trước tiên là bởi chi phí sản xuất tăng.

Cụ thể, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh; năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, trong đó phát điện là khâu khiến tăng chi phí nhiều nhất như tổng chi phí khâu phát điện năm 2021 tăng 28.425,35 tỷ đồng, tăng 9,14% so với năm 2020.

Sang năm 2022 chi phí này tăng gấp hơn 2,5 lần, tương đương 72.855,58 tỷ đồng, tăng 21,47%.

Nguyên nhân khiến chi phí khâu phát điện tăng đột biến trong năm 2022 là do biến động từ giá nhiên liệu và tỷ giá. Trong đó, giá than pha trộn theo Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc năm 2022 tăng bình quân từ 34,7% lên 46,4% so với giá than pha trộn bình quân từng loại than năm 2021.

Giá than nhập khẩu, giá khí cũng tăng năm 2022 cũng tăng dẫn đến tăng chi phí mua điện. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như tỷ giá tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng hoặc mua nhiên liệu bằng ngoại tệ; do phải bù giá cho vùng sâu, vùng xa.

Một “dữ liệu” nữa là theo công bố của Bộ Công Thương về giá thành sản xuất điện của EVN sau khi lập đoàn kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 - cơ sở để Bộ và EVN tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm ngoái là gần 493.300 tỷ đồng, tương đương giá sản xuất 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Với giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 1.864,44 đồng/kWh từ tháng 3/2019 đến nay, EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra. Tính chung cả năm ngoái, EVN lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Còn nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 26.236 tỷ đồng.

Với những “dữ liệu” trên, cộng với việc năm nay là năm thứ 4 liên tiếp giá bán lẻ điện bình quân chưa tăng lần nào và theo Quyết định 02/2023 về khung giá bán lẻ điện bình quân do Chính phủ ban hành mới đây thì từ ngày 3/2, giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu tăng 220 đồng/KWh và tối đa tăng 538 đồng/KWh nên đề xuất tăng giá là hợp lý.

Tuy nhiên, để thực sự thuyết phục, cần xem xét kỹ lưỡng mức tăng như thế nào để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.

Bên cạnh đó, thời điểm tăng giá cũng cần phải cân nhắc, tránh làm xáo trộn đời sống người dân cũng như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, khó có thể trì hoãn tăng giá bán lẻ điện lâu hơn nữa. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt vẫn là mức độ tăng như thế nào vào thời điểm thực hiện. Đặc biệt, câu hỏi ngành điện bị lỗ vì sao?

Việc kiểm soát chi phí kinh doanh như thế nào - cần được trả lời thấu đáo để tạo sự đồng thuận của xã hội, ít tác động tiêu cực nhất tới nền kinh tế, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân khi thực hiện tăng giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.