Ngày 17/4, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chủ trì Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.
Tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong xác minh, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cho ý kiến chỉ đạo xử lý, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; thống nhất kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2017; thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số địa phương.
Thường trực Ban Chỉ đạo hoan nghênh Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương nỗ lực, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là đã khẩn trương xét xử sơ thẩm đối với 03 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo Thông báo số 30-TB/BCĐTW của Ban Chỉ đạo, với các mức án nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ (trong đó 2 bị cáo bị tuyên án tử hình, 1 bị cáo án tù chung thân, 10 bị cáo tù có thời hạn từ 20 tháng đến 24 năm tù).
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực điều tra, khởi tố 11 bị can về các tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), trong đó riêng Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về cả 02 tội; có nhiều cố gắng trong việc điều tra, xử lý giai đoạn II các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm.
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực, cố gắng, tích cực, chủ động trong phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trọng tâm là khẩn trương điều tra bổ sung, truy tố, hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 3/6 vụ án còn lại theo Thông báo số 30-TB/BCĐTW của Ban Chỉ đạo theo tiến độ đã được thống nhất tại Cuộc họp (Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, giai đoạn I; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, phần Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy, yêu cầu điều tra, xét xử lại; vụ án Nguyễn Việt Hoàng và đồng phạm); sớm kết thúc điều tra, xử lý giai đoạn II các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo tiến độ đã được thống nhất tại Cuộc họp; tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án.
Thường trực Ban Chỉ đạo đồng ý Kế hoạch kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2017, gồm: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang; Vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác; Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn; Vụ án “Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam;
Vụ án “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group); Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Tây Sài Gòn và Công ty TNHH Đầu tư thương mại giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh; Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh 6 Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ án “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh 7 TPHCM.
Thường trực Ban Chỉ đạo đồng ý Kế hoạch và Quyết định thành lập 08 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng , kinh tế nghiêm trọng, phức tạp , dư luận xã hội quan tâm tại 20 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắk Nông, Kon Tum, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí với nhận định, đánh giá tình hình, những công việc sắp tới phải làm, mốc thời gian và tiến độ thực hiện. Các thành viên đã trao đổi thẳng thắn, chân thành, xây dựng, trách nhiệm, trao đi đổi lại, đi đến thống nhất để triển khai và cố gắng bảo đảm thực hiện.
Tổng Bí thư đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan chức năng, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, nghiêm túc triển khai các công việc và đạt được kết quả cụ thể, rõ rệt. Hàng loạt công việc đang được triển khai đồng bộ, sự phối hợp giữa các cơ quan nhuần nhuyễn hơn, một số khâu trước đây còn yếu (giám định, điều tra) đã được chấn chỉnh.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư chỉ rõ: Khối lượng công việc trước mắt còn nhiều, tiến độ nói chung còn chậm, còn một số vướng mắc ở khâu giám định, xác định tội danh, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa nhuần nhuyễn, một số việc chưa thật thống nhất cao, trong xử lý một số công việc chưa thật khớp. Nguyên nhân là do công việc nhiều, thời gian eo hẹp, nhận thức quan điểm có việc khác nhau, phải cố gắng từng bước khắc phục.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cơ bản nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, bảo đảm tính chính trị, trên cơ sở pháp luật, phải xem xét bản chất vấn đề, thực sự công tâm, trong sáng, khách quan. Cho nên các cơ quan phải thống nhất với nhau, lắng nghe, tôn trọng nhau, không thể anh nào biết anh ấy, “cua cậy càng, cá cậy vây” là không được. Trong một loạt vụ đưa ra sắp tới, cần chọn một số vụ làm cho bằng được, bảo đảm tiến độ và chất lượng, với quyết tâm và động cơ trong sáng, tăng cường phối hợp tốt hơn nữa.
Thường trực Ban Chỉ đạo nhất trí phân công đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tham gia chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.