Sẽ có chuẩn trường đại học và chuẩn các cơ sở đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan quy hoạch lại các trường đại học công lập chuyên ngành, những trường nhu cầu sử dụng trong xã hội không cao. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách cho các trường đại học tự chủ về mọi mặt như tuyển sinh, tài chính... hằng năm các trường này phải chịu sự giám định chặt chẽ của một cơ quan quản lý Nhà nước, kết quả giám định được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết lựa chọn trường cho con em học.

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm giai đoạn 2019 - 2025 và Đề án Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học công lập, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II và quý III/2019.

Theo đó, chuẩn trường đại học và chuẩn các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ được ban hành để làm căn cứ đánh giá hiện trạng mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học công lập của Việt Nam.

Dựa trên kết quả đánh giá, hệ thống sẽ được rà soát, phân loại và sắp xếp lại. Những cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động không hiệu quả dự kiến phải thực hiện các giải pháp như sáp nhập hoặc giải thể; những cơ sở đào tạo có chất lượng, được xã hội thừa nhận sẽ tiếp tục được đầu tư trọng tâm, trọng điểm để phát triển, hội nhập với giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới.

Đề án cũng sẽ đặt mục tiêu phát triển một hệ thống các cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động có hiệu quả, có sự phân loại về chất cũng như mục tiêu sứ mạng khác nhau nhưng hỗ trợ nhau trong tổng thể phát triển chung để phục vụ việc đào tạo nhân lực ở từng mức độ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng của thị trường lao động.

Tỷ lệ phân loại các cơ sở này sẽ dựa trên kết quả rà soát theo các bộ chuẩn (trường đại học, cơ sở đào tạo giáo viên) trong toàn hệ thống để bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của quốc gia ở từng giai đoạn nhất định.

Cùng với việc rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học công lập, quy định về quyền tự chủ của các trường đại học đã được cụ thể hóa kèm theo trách nhiệm giải trình trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ 1/7/2019).

Triển khai luật, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ toàn diện về học thuật (chuyên môn và tổ chức đào tạo) về tổ chức và nhân sự và tài chính. Đi kèm với các quyền tự chủ là điều kiện thực hiện tự chủ, là trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin về các điều kiện bảo đảm chất lượng mà các trường phải thực hiện. Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng liên quan sẽ thực hiện chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra.

Một trong các điều kiện để thực hiện tự chủ là các trường phải được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định có uy tín ở trong hoặc ngoài nước và phải minh bạch, công khai kết quả kiểm định đối với xã hội và người học. Đây cũng chính là cơ sở để phụ huynh và học sinh có cơ hội được lựa chọn các trường đại học có chất lượng phù hợp khả năng của các em và mong muốn của gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.