Sẻ chia tính nhân văn và trách nhiệm với chủ quyền Tổ quốc

Sẻ chia tính nhân văn và trách nhiệm với chủ quyền Tổ quốc

(GD&TĐ) - Năm nay, nhiều giáo viên, học sinh khá thú vị với đề thi môn Văn và Địa lý. Ngoài việc nội dung đề cập nhiều đến những kiến thức thực tế còn một lý do khác, đó là biển đảo – một vấn đề thời sự khá nóng bỏng tiếp tục được đưa vào đề thi. Đặc biệt, tấm gương dũng cảm hy sinh thân mình để cứu 5 em nhỏ của Nguyễn Văn Nam - cậu học trò xứ Nghệ được đưa vào đề thi Văn đã tạo nhiều cảm xúc.

B
Thí sinh hào hứng sau khi kết thúc giờ thi Địa lý  Ảnh: Phan Hải

Sự ra đi của Nam không vô nghĩa

Sự kiện em Nguyễn Văn Nam - Học sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương I (Nghệ An) dũng cảm hy sinh khi cứu 5 em nhỏ thoát khỏi chết đuối trên dòng sông Lam vào chiều 30/4/2013 - là một trong những nội dung của đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay khiến không ít người, cả thí sinh và phụ huynh lẫn những người quan tâm đến giáo dục xúc động mặc dù yêu cầu chỉ viết một đoạn văn ngắn (khoảng 400 từ).

Ông Nguyễn Văn Điều - Bố của em Nguyễn Văn Nam - nghẹn ngào: “Tôi rất bất ngờ và xúc động khi được nghe tin câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay nói đến hành động dũng cảm cứu người của con tôi. Cháu ra đi để lại nỗi đau, mất mát quá lớn cho gia đình, nhất là những ngày này, khi bạn bè cùng trang lứa đang tất bật với kỳ thi. Nếu Nam còn sống thì giờ cũng đang bận rộn thi cử như các cháu khác.

Nhưng tôi tin, sự ra đi của Nam không vô nghĩa. Sẽ có nhiều học sinh, thanh niên học tập, noi theo tấm gương của cháu để có những hành động đẹp, ý nghĩa và nhân văn”.

Cô Nguyễn Thị Kiều Hương - Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương I (Trường em Nam theo học) rất bất ngờ về đề thi này. Cô chia sẻ: "Đề thi đã bám vào một sự kiện thời sự được báo chí thông tin. Đề thi vinh danh tấm gương em Nam - học sinh của nhà trường khiến chúng tôi rất tự hào. Việc Bộ GD&ĐT quyết định đưa sự kiện này thành đề thi nghị luận xã hội môn Ngữ văn là rất ý nghĩa, có giá trị nhân văn cao, cổ vũ được tinh thần sống đẹp, tình yêu thương và sự hy sinh vì người khác trong thanh niên hiện nay”.

Trên các trang mạng, cũng xuất hiện vô số những chia sẻ, bình luận xúc động.

Bước ra khỏi phòng thi, Hoàng Diệu Hằng - Học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) - cho biết: Những năm trước, đề Văn có câu hỏi ra theo hướng mở, yêu cầu học sinh thể hiện trải nghiệm thông qua những câu danh ngôn. Em rất thích đề văn dạng này. Nhưng năm nay, đề Văn thực sự gây bất ngờ với em vì đưa ra một tình huống thực, bản thân em đã từng được đọc trên báo chí. Em đã chọn làm câu hỏi này đầu tiên và làm với tất cả cảm xúc của mình.

Nguyễn Thị Thu Quyên - Học sinh THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) - bày tỏ: Câu chuyện này hầu hết học sinh đều đã được nghe, được cảm thụ. Với em, đề thi đã thực sự khơi gợi sự xúc động sâu sắc trong em.
Còn anh Nguyễn Văn Thi - Phụ huynh học sinh ở Đội Cấn (Hà Nội) cho rằng: Với môn Ngữ văn nhìn chung các cháu đều làm được bài. Những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã đưa thể loại nghị luận xã hội vào đề thi tốt nghiệp, nội dung rất sát thực tế. Câu hỏi về nghị luận xã hội năm nay rất hay và có giá trị giáo dục học sinh về hành động người tốt việc tốt giúp HS biết noi theo những tấm gương cao đẹp.

Thầy Phạm Gia Mạnh – GV Văn Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội nhận xét: Đó là một đề thi văn hay, giàu tính nhân văn. Ngoài ra, theo thầy, câu 1 cũng khá hay. Câu hỏi đưa ra chi tiết nhân vật bà mẹ Hạ Du (trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình. Đây là một chi tiết đẹp, giàu sức gợi, tạo cảm hứng cho học sinh viết.

Chủ đề biển đảo cũng gợi nhiều cảm xúc

Đề thi môn Địa lý năm nay cũng được các thí sinh, phụ huynh, các nhà giáo và chuyên gia nhận xét là một đề thi mở vừa đòi hỏi sự sáng tạo, tìm tòi và hiểu biết của HS, vừa khêu gợi được tình yêu Tổ quốc thông qua mối quan tâm đối với chủ đề biển, đảo. Đề thi cũng đã truyền được một thông điệp ý nghĩa về vấn đề biển đảo không chỉ cho gần 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.

“Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển, đảo có ý nghĩa như thế nào” được Nghiêm Thùy Linh – Học sinh lớp 12A5 Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết: Em rất hào hứng và không bất ngờ với nội dung biển đảo tiếp tục được đề cập đến trong đề thi Địa lý năm nay và đã làm rất tốt câu hỏi này.

“Với câu hỏi trên, nếu chỉ học trong sách giáo khoa các bạn vẫn có thể làm được nhưng không thể sâu sắc. Để làm thật tốt, đòi hỏi các bạn cần có kiến thức thực tế, chịu khó lắng nghe, cập nhật những thông tin trên truyền thông. Kiến thức giúp em tự tin hoàn thành tốt câu hỏi này chủ yếu do chịu khó đọc trên sách báo, xem truyền hình.

Bài làm của em nhấn mạnh đến việc Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để tranh thủ sự hợp tác, tình thân, từ đó tạo chỗ dựa vững chắc; đồng thời để phát triển kinh tế biển, các ngành du lịch, quan trọng nhất là khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế” – Linh tự tin chia sẻ.

Một số giáo viên được hỏi đã bày tỏ niềm vui khi ngành Giáo dục đã ra đề thi đáp ứng được nhận thức xã hội không chỉ về vấn đề chủ quyền biển đảo mà những vấn đề về kinh tế, xã hội cũng rất thiết thực.

Cô Nguyễn Thị Nga – Giáo viên Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội - cho rằng: Hiện nay, việc học và thi đều hướng tới phải gắn với tình hình thực tế của đất nước. Đề thi Địa lý năm nay đã làm được việc này, đã đạt được cái đích của giáo dục.

Ngoài vấn đề biển đảo, đề thi Địa lý năm nay khá thú vị bởi hướng nhiều đến kiến thức thực tế như: Vấn đề lao động, việc làm. Điều này khác với các năm trước, thường tập trung vào phần lãnh thổ Việt Nam hay 7 vùng kinh tế.

“Đề thi có cấu trúc ngắn gọn, nhẹ hơn so với đề thi năm trước, kiểm tra được tất cả những kỹ năng của học sinh” – Cô Nga nhận xét thêm.

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ