A Xây, cán bộ Tỉnh đoàn Kon Tum, đã từng hiến máu 17 lần. Ảnh: VGP/Vũ Khoa
Vượt 140 km hiến máu cứu người bệnh
A Xây, một thanh niên dân tộc Giẻ Triêng (sinh năm 1986), công tác tại Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Tỉnh đoàn Kon Tum, đã từng hiến máu 17 lần và là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu 2016. Điều đặc biệt là trong 17 lần tham gia hiến máu thì có tới 14 lần, người thanh niên này hiến máu cấp cứu tại bệnh viện cho những trường hợp cấp cứu.
A Xây chia sẻ, “có những cuộc gọi gấp gáp lúc nửa đêm hoặc khi thời tiết mưa gió… như đã trở thành phản xạ, tôi bật dậy hỏi địa chỉ và đi hiến máu ngay. Có lần hiến máu xong trời đã hửng sáng nên lại vội vã từ bệnh viện đến thẳng cơ quan đi làm.
Ấn tượng nhất với lần hiến máu vào một ngày cuối năm 2013, A Xây kể, khi nhận được thông tin từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum có người cần truyền nhóm máu A, anh lập tức gọi một người bạn thân cùng nhóm máu, vượt hơn 140 km quãng đường từ Kom Tum đến huyện Đắk Đoa để hiến máu.
“Không khí tại bệnh viện lúc đó vô cùng căng thẳng, vì tính mạng bệnh nhân đang rất nguy kịch. Nhờ có kinh nghiệm từ lần trước, tôi lập tức làm thủ tục hiến máu và may mắn, người bệnh đã vượt qua được thời khắc giữa sự sống và cái chết. Niềm vui của người nhà bệnh nhân, của các y, bác sĩ làm tôi cảm thấy mình hạnh phúc rất nhiều”, anh chia sẻ.
Những giọt máu hồng từ tấm lòng y đức
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tỉ lệ dân số tham gia hiến máu tăng từ 0,6% (năm 2008) lên hơn 1,4% (2015), đặc biệt, số đơn vị máu từ người hiến máu tình nguyện tăng nhanh từ 71% lên gần 97%.
Đến nay, 100% tỉnh, thành phố, 98% số quận, huyện, 71% số xã, phường cũng đã lập Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện. Ngay tại các bệnh viện cũng có các Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống để tuyên truyền vận động, nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của mỗi người về mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện, an toàn truyền máu.
Điển hình là tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2011 đến nay, với hơn 150 thành viên là các y, bác sĩ tham gia Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của bệnh viện, đã kịp thời hiến 129 đơn vị máu, góp phần cứu sống hơn 100 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân được hiến máu cấp cứu.
Bác sĩ Đinh Văn Bình và bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) hiến máu cứu bệnh nhân. Ảnh: VGP/Vũ Khoa
Đầu tháng 3/2016, Khoa Chấn thương của Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Khiêm (87 tuổi, huyện Cẩm Xuyên) bị gãy xương đùi. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị thiếu máu nặng, trong khi kho máu của Bệnh viện đã hết máu thuộc nhóm B. Bệnh viện đã xét nghiệm lấy máu người nhà của bệnh nhân nhưng không ai cùng nhóm máu này.
Trước tình hình nguy cấp, nếu bệnh nhân không được truyền máu kịp thời thì nguy cơ dẫn đến tử vong là rất cao. Ngay lúc đó, bác sĩ Đinh Văn Bình và bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (Khoa Chấn Thương) đã tình nguyện hiến tặng 500 ml máu để kịp thời truyền bổ sung cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Trước đó, dược sĩ Bùi Hoàng Dương, Phó Trưởng Khoa Dược của Bệnh viện cùng điều dưỡng viên Hoàng Thị Ngọc Hà, nhân viên Khoa Khám bệnh cũng đã hiến 500 ml máu cấp cứu cho một cháu bé bị vàng da sơ sinh nặng khi nhập viện; rồi dược sĩ Tôn Đức Quý, Trưởng Khoa Dược cũng đã tình nguyện hiến máu cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thị Biên, 67 tuổi (Kỳ Anh) bị thiếu máu do xuất huyết tiêu hóa nặng…
Hiến máu tình nguyện là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một nghĩa cử cao đẹp của con người với con người. Với sự cảm thông và sẻ chia, sự đồng điệu của những trái tim nhân ái, tình cảm và trách nhiệm cao với cộng đồng, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta đang đóng góp một phần quan trọng vào việc cứu sống và điều trị cho người bệnh.