Gánh nặng học phí

Gánh nặng học phí

(GD&TĐ) - Gần đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký ban hành văn bản nhắc nhở các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ phải thực hiện đúng quy định trong lộ trình tăng học phí.

Văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục cần giãn thời gian điều chỉnh học phí và không được ép buộc học sinh, sinh viên (HSSV) đóng học phí gộp cả học kỳ, cả năm học. Việc đưa ra mức học phí mới phải phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của HSSV. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ có ý kiến với các bộ chủ quản và các cơ sở đào tạo để việc điều chỉnh học phí không xảy ra vào cùng một thời điểm, nhất là vào đầu năm học mới 2013-2014...

Văn bản này tuy ban hành ngẫu nhiên nhưng trùng với thời điểm dư luận xã hội đang quan tâm đến câu chuyện một người mẹ đau ốm, tìm đến cái chết để dành tiền cho các con được tiếp tục đến trường.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ở ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, có chồng làm thợ hồ và ba con đang tuổi đi học. Thu nhập từ nghề thợ hồ của chồng 100.000 đồng/ngày, còn chị Nhân do bị bệnh không làm được việc nặng, xin chân giúp việc nhà, thu nhập hai triệu đồng/tháng. Cuộc sống gia đình nghèo nhưng cũng tạm ổn. Chỉ đến khi con trai lớn của chị Nhân thi đậu vào CĐ, tiền nong gia đình mới trở nên bức bách. Thời điểm này chị lại đổ bệnh, mất việc, trong khi mỗi ngày phải cần khoảng 140.000 đồng tiền thuốc. Chị lên xã làm đơn xin vay tiền cho con học CĐ. Xã chứng nhưng Ngân hàng Chính sách TP Cà Mau từ chối vì chị không có sổ hộ nghèo. Một chiều, con trai út của chị phát hiện mẹ treo cổ chết trong phòng ngủ, bên cạnh là bức thư tuyệt mệnh. Trong thư chị Nhân viết “chọn cái chết là vì để cho chồng bớt gánh nặng tiền thuốc men cho vợ, dành phần tiền này lo cho các con ăn học…”.

Câu chuyện đã gây xúc động mạnh cho nhiều bạn đọc. Chỉ trong vài ba tuần, hàng trăm lượt bạn đọc gửi tiền, quà tặng cho gia đình chị Nhân. Tổng số tiền lên tới gần 250 triệu đồng. Cháu Đinh Công Bằng, con trai lớn của chị Nhân, sinh viên hệ CĐ trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu cũng vừa được nhà trường miễn học phí.

Ở nông thôn, nhiều gia đình đang có cuộc sống bình thường nhưng khi có con đi học ĐH, CĐ thì rơi ngay vào túng quẫn, trở thành hộ nghèo. Trường hợp gia đình chị Nhân là một ví dụ. Cũng qua câu chuyện mới thấy hiện nay học phí học ĐH, CĐ - nhất là các trường ngoài công lập - đang là gánh nặng của không ít gia đình nông dân, người lao động nghèo thành thị, gia đình công nhân, viên chức nhỏ. Điều đáng lo, hiện các trường ĐH, CĐ đang rục rịch nâng mức học phí cho năm học 2013-2014 theo lộ trình được phép. Nếu ở các trường công lập, học phí được sự chia sẻ của Nhà nước thì ở khối trường ngoài công lập mức học phí được thu theo yêu cầu “chất lượng” của trường, thường ở mức khá cao, thậm chí rất cao. Chưa kể, nhiều trường chủ trương thu học phí theo quý, học kỳ hoặc cả năm học. Việc này càng gây khó khăn cho các gia đình có con em theo học.

Mặc dù Nhà nước có chương trình tín dụng SV đang phát huy khá hiệu quả nhưng gánh nặng vay tiền phải trả vẫn là áp lực lớn vì không phải mọi con em họ ra trường đều kiếm được việc làm.

Tăng học phí trong tình hình hiện nay là điều có thể thông cảm với các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, cũng cần thấy nhược điểm của các cơ sở là nguồn thu hầu như chỉ dựa vào ngân sách và học phí. Trong khi ở các nước, nguồn thu chính là từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học, sản xuất và tài trợ từ các tập đoàn, doanh nghiệp. Đối với SV khó khăn, các trường có nhiều chương trình xã hội hỗ trợ như tạo điều kiện cho SV làm thêm (trong hoặc ngoài trường) để trang trải học phí.

Buộc các trường thực hiện đúng quy định về học phí là cần thiết, nhưng về lâu dài các trường cũng cần hướng hoạt động vào việc tạo thêm các nguồn thu khác ngoài học phí. Có như vậy công việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai đất nước mới bền vững.

Từ Nguyên Thạch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ