Sẽ ban hành quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài

GD&TĐ - Dự thảo Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài vừa được Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Quy chế này bao gồm: mục đích, nguyên tắc; hình thức thi; chứng chỉ tiếng Việt; đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt; đối tượng dự thi và đăng ký dự thi, Hội đồng thi; đề thi; tổ chức thi; chấm thi và phúc khảo; duyệt kết quả thi, quản lý cấp phát chứng chỉ, báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Theo dự thảo, các kỹ năng thi bao gồm: nghe, nói, đọc, viết. Kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính. Kỹ năng nói được tổ chức bằng hình thức thi nói trực tiếp hoặc thi trên máy vi tính.

Đối với từng kỳ thi, dựa trên điều kiện thực tế, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay thi trên máy vi tính, thi nói trực tiếp hay thi nói trên máy vi tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.

Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt là trường đại học, trường cao đẳng sư phạm có đào tạo ngành văn học, sư phạm ngữ văn, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực tiếng Việt 6 bậc dùng cho người nước ngoài;  cơ sở giáo dục được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài; tổ chức, đơn vị sự nghiệp khác được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt.

Để tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt, các đơn vị phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hội đồng thi do Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi thành lập.

Chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng với Khung năng lực tiếng Việt 6 bậc dùng cho người nước ngoài từ bậc 1 đến bậc 6.

Mẫu chứng chỉ tiếng Việt do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ tiếng Việt do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.

Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ cho thí sinh đủ điều kiện, trong đó có ghi rõ bậc năng lực tiếng Việt của thí sinh đạt được qua kỳ thi. Việc quản lý, cấp phát và thu hồi chứng chỉ thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.