Bước đi của Nga được đưa ra sau khi Washington cùng với London ủng hộ các cuộc tấn nhằm vào mục tiêu trên lãnh thổ Nga, đặc biệt là việc sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp.
Sự xuất hiện của Oreshnik đã có tác động đáng kể đến chính sách của Anh đối với Nga. London đã trở nên thận trọng hơn trong việc leo thang xung đột vì lo ngại các biện pháp trả đũa mới.
Oreshnik đã trở thành biểu tượng cho sự đối đầu ngày càng tăng giữa Nga và các nước NATO. Tổ hợp tên lửa siêu thanh này có khả năng thực hiện cuộc tấn công bằng cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường, gần như không thể bị đánh chặn bởi những hệ thống phòng thủ hiện có.
Tình hình xung quanh việc triển khai Oreshnik diễn ra trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF) vào năm 2019.
Quyết định này mang lại cho Nga cơ hội tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo vốn trước đây bị cấm.
Nga coi Oreshnik là công cụ chiến lược có khả năng cân bằng áp lực từ NATO. Tên lửa siêu thanh có thể tấn công đối tượng cách xa tới 2.000 km, bao gồm cả ở Anh, khiến nó trở thành một công cụ răn đe tiềm năng trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Vương quốc Anh cùng với các nước NATO khác vẫn là đồng minh chủ chốt của Ukraine, cung cấp hỗ trợ về quân sự, tài chính và chính trị cho nước này.
Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của Oreshnik, London bắt đầu tỏ ra thận trọng hơn trong chính sách của mình, đặc biệt là vấn đề cung cấp cho Kyiv tên lửa có độ chính xác cao và những phương tiện tấn công khác.
Ví dụ việc sử dụng Storm Shadow đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trong NATO, vì những tên lửa này cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga ở cự ly lớn. Hiện tại London vẫn tiếp tục hỗ trợ Kyiv, mặc dù phải để mắt nhiều hơn đến các hành động trả đũa có thể xảy ra của Nga.
Giới chuyên gia coi Oreshnik là vũ khí thay đổi cuộc chơi trong tình hình đối đầu hiện đại ở châu Âu. Công nghệ siêu thanh một mặt giúp nâng cao năng lực của Nga, mặt khác gây lo ngại cho các quốc gia NATO, đặc biệt là những nước nằm ở Đông Âu.