Việc nhận hàng kí gửi và kiểm soát hành lý của các nhà xe được thực hiện rất đơn giản. Ảnh: Đình Việt.
Cứ có hàng là… nhận
Vào lúc 13h ngày 23/2, trong vai một hành khách có nhu cầu di chuyển từ Hà Nội về Thanh Hóa, PV Báo Gia đình & Xã hội có mặt trên một chuyến xe khách với điểm xuất phát là Bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), điểm cuối là trung tâm huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa).
Trong lúc chờ xe xuất bến, PV ghi nhận gần chục trường hợp tới nhà xe nhờ chuyển hàng về Thanh Hóa. Cảnh tương tự cũng diễn ra “nhộn nhịp” với nhiều nhà xe khác đang đậu trong bến. Theo quan sát, nhà xe không cần kiểm tra hàng hóa khách gửi mà cứ có hàng mang đến là nhận và mở cốp xe để xếp vào. Điều kiện nhà xe dành cho khách gửi hàng là phải ghi rõ địa chỉ, số điện thoại người nhận, số điện thoại người gửi. Cảnh nhận vận chuyển hàng dễ dàng không chỉ diễn ra trong bến mà còn diễn ra cả khi xe đã bắt đầu hành trình. Theo quan sát, sau khi rời bến, trên đường đi nhà xe cũng nhận kí gửi hàng bằng cách cho xe táp sát lề đường để nhanh chóng xếp hàng vào cốp, mọi thỏa thuận đều diễn ra rất nhanh chóng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bình - một hành khách cùng đi trên chuyến xe này tỏ ra lo lắng: “Vừa xảy ra vụ nổ xe khách nghi có chất nổ là hàng của khách mà nhà xe vẫn nhận hàng không kiểm soát, tôi lo quá. Tự nhiên tôi thấy sợ, thấy mất an toàn khi đi xe khách về quê, mỗi lần đi như cược tính mạng cho nhà xe vậy”. Tuy lo lắng là thế, nhưng ông Bình vẫn phải đi vì không có sự lựa chọn nào khác.
Đơn vị quản lý, doanh nghiệp vận tải than khó
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, một cán bộ của Bến xe Mỹ Đình nhận định, vấn đề vận chuyển hàng hóa trên xe khách đã được quy định rõ trong Nghị định 86 của Chính phủ. Nghị định này quy định doanh nghiệp vận tải, lái xe, phụ xe phải chấp hành nghiêm túc việc vận chuyển hành khách, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát những vật liệu cháy nổ. Với những trường hợp phát hiện hành khách mang theo chất cấm, vật liệu cháy nổ thì phải từ chối phục vụ, thậm chí có thể xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng việc kiểm soát hành lý của hành khách gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với hành lý xách tay. Từ trước đã có quy định về kiểm soát hành lý của khách nhưng vấn đề là thực hiện thế nào thì đến thời điểm này vẫn còn đang lúng túng. Bến xe Mỹ Đình thực hiện khá tốt công tác kiểm soát an ninh, tuy nhiên cũng mới chỉ dừng ở khâu kiểm tra hành lý ký gửi.
Là một trong những doanh nghiệp vận tải lớn của miền Bắc nhưng khi được PV đặt câu hỏi liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa, ông Khúc Hữu Thanh Hải – Giám đốc doanh nghiệp vận tải Anh Huy – Đất Cảng cũng cho rằng, vấn đề này doanh nghiệp rất khó quản lý. Đối với doanh nghiệp của mình, ông Hải chỉ biết luôn nhắc nhở toàn bộ nhân viên phải thực hiện nghiêm chỉnh việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa kí gửi mà thôi?!
Theo ông Hải, thực tế hiện nay, doanh nghiệp của ông chỉ nhận hàng kí gửi tại các điểm giao dịch của mình, không cho phép lái xe và phụ xe nhận hàng dọc đường. Tại các điểm giao dịch, hàng hóa được kiểm tra rất kĩ lưỡng trước khi nhận, công ty cũng lắp hệ thông camera để kiểm soát. Khi đến gửi, khách hàng phải xuất trình chứng minh nhân dân, phải nói rõ đó là hàng gì, vận chuyển đi đâu, người nhận là ai. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, tại điểm giao dịch công tác quản lý có thể làm tốt nhưng thực tế khi di chuyển trên đường, lái xe và phụ xe có chấp hành nghiêm quy định của công ty hay không thì ông cũng khó có thể kiểm soát được.
Cùng quan điểm trên, ông Đỗ Văn Bằng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho rằng doanh nghiệp mình cũng gặp khó trong vấn đề kiểm soát hành lý của hành khách. “Nhận thấy việc đón trả khách dọc đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên chúng tôi đã gắn camera hành trình trên tất cả các xe của hãng để kiểm soát việc xe di chuyển, đảm bảo không dừng đỗ dọc đường. Tuy nhiên việc giám sát này cũng chỉ dành cho lái và phụ xe mà không có tác dụng đối với hành khách”, ông Bằng cho biết thêm.
Vào khoảng 22h13 phút ngày 21/2, một chiếc xe khách giường nằm Ka Long khi chạy qua địa phận gần cầu Đông Du, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thì bất ngờ phát nổ. Vụ tai nạn đã khiến 2 người chết và 14 người bị thương. Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Đại tá Nguyễn Công Nghiệp - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo kết quả điều tra ban đầu xác định đây là vụ nổ do chất nổ gây ra, không phải do xăng hay điện. Chất nổ này rất có thể do hành khách mang theo khi lên xe.