Sau vụ cháy Rạng Đông: Báo động lỏng lẻo kiểm soát trăm tấn thủy ngân kịch độc

Hiện nhiều đơn vị khác ngoài Công ty Rạng Đông đang sử dụng và kinh doanh thủy ngân với lượng nhập khẩu cả trăm tấn/năm.

Vụ cháy của Công ty Rạng Đông là sự cố nghiêm trọng về môi trường, gây ảnh hưởng lớn về sức khoẻ, đời sống, sinh hoạt người dân quanh khu vực (Trong ảnh: Các vật liệu từ hiện trường vụ cháy được gom lại để đem đi xử lý).
Vụ cháy của Công ty Rạng Đông là sự cố nghiêm trọng về môi trường, gây ảnh hưởng lớn về sức khoẻ, đời sống, sinh hoạt người dân quanh khu vực (Trong ảnh: Các vật liệu từ hiện trường vụ cháy được gom lại để đem đi xử lý).

Không riêng Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), hiện nhiều đơn vị khác cũng đang sử dụng và kinh doanh thủy ngân với lượng nhập khẩu cả trăm tấn/năm.

Nếu không quản lý chặt chẽ, không ai chắc sẽ lại xảy ra sự cố môi trường tương tự như vụ cháy Công ty Rạng Đông.

Rạng Đông nhập khẩu, sử dụng bao nhiêu thủy ngân?

Sau khi vụ cháy xảy ra, ngày 30/8, Công ty Rạng Đông đã có văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cho biết, các vật tư - nguyên liệu của công ty không sử dụng thủy ngân. Công ty cũng cho biết “đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016”.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông mới đây, về lâu dài, cần tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời Công ty Rạng Đông và các cơ sở, nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo; giao Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nhập khẩu, quản lý và sử dụng hóa chất; cung cấp thông tin, số liệu về nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thủy ngân và hàm lượng thủy ngân có trong bóng đèn huỳnh quang, compact của Công ty Rạng Đông, gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã “bóc mẽ” động thái lập lờ, lấp liếm thông tin của Công ty Rạng Đông bởi amalgam thực chất là hỗn hợp của thủy ngân và kim loại khác, trong đó thủy ngân là thành phần chính (chiếm từ 50-70%).

Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, lãnh đạo Công ty Rạng Đông một lần nữa thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên amalgam) chứ không phải amalgam.

Sự gian dối của Công ty Rạng Đông không phải lần đầu. Trước đó, trong báo cáo thường niên liên tiếp các năm 2016, 2017 và mới nhất năm 2018, công ty này thông tin về tổng lượng nguyên liệu sử dụng để sản xuất và đóng gói các sản phẩm chính chỉ gồm hạt nhựa, thép, thủy tinh, bột huỳnh quang, bao bì…, mà hoàn toàn không chữ nào nhắc đến thủy ngân lỏng lẫn amalgam!

Vấn đề người dân quan tâm nhất là Công ty Rạng Đông đã sử dụng bao nhiêu thủy ngân, trong đó đâu là khối lượng thực sự bị phát tán ra môi trường?

Ban đầu, theo số liệu báo cáo của Công ty Rạng Đông, nguồn thủy ngân có thể đã bị phát tán khoảng 15,1kg. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học và Bộ Tài nguyên & Môi trường, khối lượng thủy ngân phát tán tới hơn 27kg.

Bên cạnh đó, nhà máy còn 3 kho tủ lạnh chứa amalgam để sản xuất đèn chưa bị cháy.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngoài các đơn vị liên quan tới y tế, dược phẩm, Công ty Rạng Đông là một trong số ít các doanh nghiệp nhập khẩu chính thủy ngân và amalgam tại Việt Nam.

Đơn cử, trong gần 3 năm trở lại đây (từ năm 2017 đến tháng 8/2019) Công ty Rạng Đông đã trực tiếp nhập khẩu hơn 300kg thủy ngân tinh chất và hơn 700kg amalgam dạng viên để sản xuất bóng đèn compact tiết kiệm điện.

Mỗi năm nhập khẩu hàng trăm tấn

Thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân hiện nằm trong danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra sự cố tai hại.

Hiện nay, ngoài Công ty Rạng Đông, một số đơn vị khác cũng nhập khẩu thủy ngân với tổng khối lượng nhập khẩu trong năm 2017 hơn 43 tấn dạng rắn cùng với khối lượng không nhỏ dạng lỏng.

Sang năm 2018, lượng thủy ngân nhập khẩu đã tăng lên hơn 94 tấn dạng rắn (tăng gần 120% so với năm trước). Và kể từ đầu năm 2019 tới nay, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu khoảng 85 tấn dạng rắn. Số lượng trên mới chỉ tính thủy ngân mà chưa bao gồm hàng tấn amalgam.

Theo tìm hiểu của PV, do điều kiện nhập khẩu nên chỉ có số ít doanh nghiệp đứng ra nhập khẩu mặt hàng này.

Theo quy định của Nghị định 113, sản xuất, kinh doanh thủy ngân trong lĩnh vực công nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở, nhà xưởng, kho chứa, an toàn, công nghệ… và phải có ngành nghề sản xuất/kinh doanh hóa chất. Đơn vị nào muốn nhập khẩu phải đăng ký hồ sơ và phải được Bộ Công thương xét duyệt và cấp phép. Bởi thế nên khối lượng nhập khẩu thời gian qua tuy lớn song chỉ do một số đơn vị thực hiện trong đó có Công ty Rạng Đông.

Ngày 11/9, PV Báo Giao thông gửi câu hỏi tới Bộ Công thương, đặt vấn đề về việc quản lý thủy ngân và các hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp tới Bộ Công thương; cũng như công khai những đơn vị nhập khẩu hay sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất (nhất là tại các vùng đông dân cư) để người dân được biết.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, câu hỏi của PV Báo Giao thông bị Bộ Công thương “đá bóng” từ vụ chức năng này sang cục quản lý kia và đến chiều 16/9, PV vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ