Sau vài lần “sốt nóng”, “cảm lạnh”, giá nhà vẫn đang tăng nhanh hơn giá vàng

Giá nhà quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tăng 27 lần trong khi giá nhà quận 1 (TPHCM) tăng tới 22 lần. Trong khi đó, từ năm 2002 đến năm 2018, giá 1 lượng vàng chỉ tăng khoảng 5 lần.

Sau vài lần “sốt nóng”, “cảm lạnh”, giá nhà vẫn đang tăng nhanh hơn giá vàng
Sau vài lần sốt nóng, cảm lạnh, giá nhà vẫn đang tăng nhanh hơn giá vàng - 1

Giá nhà ở tại Việt Nam cao gấp hàng chục lần so với thu nhập.

Một báo cáo nghiên cứu thị trường do Batdongsan.com nghiên cứu mới đây cho rằng, bất động sản vẫn luôn là một trong số những kênh đầu tư hấp dẫn nhất.

Theo đơn vị này, sau 2 lần sốt đất và 2 lần rơi vào trạng thái đóng băng, thị trường hồi phục và phát triển trở lại từ năm 2014 nhờ nền kinh tế vĩ mô ổn định với GDP tăng và lạm phát được kiềm chế. Bên cạnh đó, Luật kinh doanh Bất động sản cho phép người nước ngoài mua nhà và thị trường phát triển thêm nhiều loai hình mới cũng góp phần khiến thị trường khởi sắc.

Đáng lưu ý, giá nhà trung bình tại trung tâm Hà Nội và TPHCM có sự tăng giá ấn tượng từ 2002 tới 2018. Cụ thể, giá nhà quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tăng 27 lần trong khi giá nhà quận 1 (TPHCM) tăng tới 22 lần. Trong khi đó, từ năm 2002 đến năm 2018, giá 1 lượng vàng chỉ tăng khoảng 5 lần.

Mặc dù giá nhà tăng mạnh như vậy nhưng dường như Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những thành phố lớn có giá nhà rẻ nhất. Bản báo cáo mang tên Global Living Report được hãng tin Bloomberg trích dẫn đã khảo sát giá nhà tại 35 thành phố lớn trên thế giới, từ Barcelona của Tây Ban Nha cho tới Birmingham của Anh, cho thấy: TPHCM và Bangkok của Thái Lan là hai thành phố ở Đông Nam Á nằm trong nhóm có giá nhà "mềm" nhất.

Theo báo cáo Global Living của CBRE, giá nhà trung bình ở TPHCM là 103.100 USD/căn, còn ở Bangkok là 106.400 USD/căn. Tại thị trường Hà Nội, một báo cáo khác của CBRE Việt Nam thì cho thấy, quý I/2019, giá bán bình quân thị trường chung cư tại Hà Nội vào khoảng 1.333 USD/m2 (khoảng 30,6 triệu đồng), thấp hơn mức 1.764/m2 (tương đương 40,5 triệu đồng) của TPHCM.

Trong khi đó, các thành phố châu Á tiếp tục nắm giữ nhiều vị trí cao trong xếp hạng. Top 3 thành phố có giá nhà đắt nhất đều là các thành phố châu Á: sau Hồng Kông ở vị trí số 1 là Singapore ở vị trí số 2 và Thượng Hải ở vị trí số 3. Hồng Kông tiếp tục củng cố ngôi vị là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, với giá nhà trung bình đạt 1,2 triệu USD/căn.

Cùng với sự tăng trưởng của giá nhà, bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho hay, khả năng chi trả mua nhà tại Việt Nam đã được cải thiện trong ba năm vừa qua. Chỉ số giá nhà trên thu nhập giảm từ 34 trong năm 2016 xuống 21 trong năm 2018 do sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp thượng lưu và trung lưu.

Trong đó, riêng tại Hà Nội, chỉ số giá nhà trên thu nhập ở mức 17 điểm, tốt hơn mức trung bình của cả nước. Lượng hàng bán ra tăng từ năm 2014 với tốc độ 28% mỗi năm.

Dù vậy, việc giá nhà cao gấp hàng chục lần thu nhập tại Việt Nam vẫn được đánh giá là quá cao khiến nhiều người dân đặc biệt là người thu nhập thấp khó tiếp cận. 

Lý giải về nguyên nhân giá nhà ở cao, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, Việt Nam đang áp dụng cơ chế thuế rất thấp thì giá phải cao, trong khi ngược lại ở các nước như Mỹ sẽ áp mức thuế rất cao nhưng giá thấp.

"Chúng ta đã sai trong việc thiết lập chính sách đất đai, tạo ra chi phí nhà ở cao. Chỉ đến khi đưa thuế đất dần dần lên cao thì giá đất mới xuống thấp, sẽ có cơ hội chi phí đât đai thấp hơn rất nhiều so với trước đây", ông nói.

Vị chuyên gia cũng đề cập tới vấn đề chi phí tài chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao.

"Sự thật mà nói hiện nay ai cũng thấy ở Việt Nam, muốn phát triển nhà ở phải vay thương mại, hiện rất thấp cũng phải 10%/năm rồi trong khi các nước vay đầu tư chỉ 5%, vay cho đối tượng thu nhập thấp còn thấp hơn nữa. Doanh nghiệp Việt Nam phải vay thương mại ngân hàng đầu tư nhà ở là bất lợi lớn", ông nói. 

Ông Võ cho hay, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản cũng rất thấp. "Điều này dẫn đến chi phí vốn lên cực cao để giải quyết nhu cầu nhà ở bức thiết của dân. Vay bằng nguồn thương mại 10%/năm như thế khiến nhà ở lên giá cực cao. Trong khi để đầu tư nhà ở phải quay vòng 3-4-5 năm, 5 năm chi phí vốn lên gấp rưỡi rồi thì người thu nhập thấp làm sao chịu được giá nhà", ông nói.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ