Sau Tết đi làm lấy lệ
Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán nhiều đơn vị, công ty... thường rất vắng vẻ. Dẫu chúng ta luôn biết nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn, nhưng vẫn không thể thay đổi được “thói quen truyền thống” của người Việt ta là “tháng Giêng là tháng ăn chơi”...
Theo quy định của Nhà nước, năm nay Tết Nguyên đán được nghỉ 7 ngày từ 14/2/2018 - 20/2/2018 dương lịch (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch) – tức ngày 6 Tết sẽ là ngày làm việc đầu tiên nhưng không ít công sở trong tình trạng vắng vẻ vào đầu giờ làm việc.
Nhiều người có mặt đúng giờ quy định của cơ quan, đơn vị mình trong những ngày này thì cũng chỉ là có mặt để “đánh trống ghi tên”, rồi túm năm tụm ba để bàn tán chuyện ăn Tết như thế nào, chơi Tết ra làm sao... rồi mắt trước mắt sau “chuồn” đi chơi hoặc rủ nhau về nhà ai đó ăn nhậu... Một bộ phận khác thì tranh thủ rủ nhau đi lễ, đi chùa.
Chị Nguyễn Thanh Tình - nhân viên văn phòng của một công ty đóng trên địa bàn Hà Nội, cho biết: “Năm nào cũng vậy, hầu như cứ phải ngoài rằm tháng Giêng (Âm lịch) không khí làm việc mới bắt đầu vào guồng. Còn những ngày trước đó, nhiều người đi chùa để lấy may mắn. Hoặc có đến cơ quan cũng chỉ để cho có lệ".
Đây chính là lý do giải thích vì sao lễ hội, chùa chiền đầu năm lại đông đến mức kinh hoàng, trong khi các công sở lại đìu hiu như vậy.
Quá tải chốn đền, chùa
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó chủ yếu là lễ hội dân gian với số lượng lên đến trên 7.000. Còn nếu chúng ta tính đủ số lễ hội trong cả nước và chia đều cho 365 ngày trong năm, có nghĩa Việt Nam trung bình có đến hơn 20 lễ hội/ngày.
Khác hẳn với sự đìu hiu, vắng vẻ ở các công sở, thời điểm đầu năm tại hầu hết các đền, chùa, khu di tích lịch sử như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Vũ, chùa Phúc Khánh, chùa Hương (Hà Nội) chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình) và mới đây là lễ khai ấn đền Trần... nơi nào cũng đông nghẹt người đến cúng lễ cầu may cho mình và người thân trong gia đình.
Lý giải cho thói quen đi lễ đầu năm của không ít cán bộ, công chức, nhiều người cho rằng, nguyên nhân quan trọng xuất phát từ tình trạng bộ máy hành chính vẫn chưa thay đổi, sức ỳ lớn, trách nhiệm công chức chưa rõ ràng. Không ít người vẫn có quan niệm vắng cô thì chợ vẫn đông, vắng các nhân viên đi chùa chiền lễ lạt… thì công việc ở cơ quan chậm chút cũng chẳng chết ai.
Thêm một thực tế khác, đó là một bộ phận không nhỏ với tâm lý dâng lễ vật đầu năm càng to lên thánh thần thì sẽ xin được nhiều lộc cho cả năm. Nhiều người sắm sửa lễ lạt thật to đến chỉ hòng cầu tài, cầu lộc, cầu danh... Lại có nhiều người tuy kinh tế còn khó khăn nhưng cũng đi hết đền này, chùa nọ để cầu khấn, bỏ bê công việc làm ăn dẫn tới thua lỗ, phá sản... Chính thói quen này đã tạo nên sự trì trệ, không chuyên nghiệp trong lao động, sản xuất, dẫn tới lỡ dở công việc.